Đây là kết quả được đưa ra trong báo cáo khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018 của Viện Công nhân công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Vẫn còn lao động nhận lương dưới mức tối thiểu
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để bàn về mức lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019. Đại diện người sử dụng lao động đề xuất không tăng LTT vùng, trong khi phía Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng LTT cần tăng thêm 8%. Kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động (NLĐ) là một trong những căn cứ được đưa ra để xem xét việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019.
Theo TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, khảo sát năm nay được thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, trong các ngành có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp (DN) và vùng lương. Nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin từ hơn 3.000 lao động tại 150 doanh nghiệp. Số lượng NLĐ và DN được khảo sát nhiều gấp 3 lần so với hàng năm. Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương cơ bản của NLĐ trung bình là 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với năm 2017. Mức này cao hơn lương tối thiểu gần 40%, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng.
So với năm 2017, tỉ lệ người lao động "vừa đủ trang trải cho cuộc sống" trong năm 2018 giảm 7,6% và tỉ lệ phải chi tiêu "tằn tiện, kham khổ" tăng 5,8%.
Ngoài lương cơ bản, NLĐ làm việc còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ. Thế nhưng, các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). Như vậy, cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017.
"Tự nguyện" tăng ca
Đánh giá về mức thu nhập và chi tiêu, đa số NLĐ được khảo sát cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn song lương cơ bản đủ trang trải cuộc sống. Dù vậy, thu nhập của công nhân chỉ được cải thiện khi tăng ca, làm thêm giờ. NLĐ buộc phải làm thêm giờ để trang trải cuộc sống và coi làm thêm là chuyện đương nhiên.
Đồng lương ít ỏi, cuộc sống tạm bợ, tăng ca liên tục nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống là thực trạng chung của nhiều công nhân lao động. Chia sẻ về thu nhập thực tế, chị Nguyễn Thị Hải, đang làm việc ở khu công nghiệp Quang Minh cho biết: "Lương tháng của tôi sau khi trừ bảo hiểm là 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này đã cao hơn nhiều so với LTT vùng nhưng để trang trải cuộc sống thì rất chật vật. Hàng tháng, trừ chi tiêu các khoản như điện, nước, tiền nhà, tiền ăn, điện thoại, rồi tiền học cho con, gia đình tôi gần như không có tích lũy".
Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống), có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ, Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.
Để hiểu rõ về các tiêu chí đưa ra, ông Vũ Quang Thọ giải thích, vừa đủ tức là giật gấu vá vai cho đủ. Chi tiêu tằn tiện là nay vay để tiêu, mai có lương thì trả, mà nói khó nghe là NLĐ phải bóp mồm bóp miệng để mình có đủ năng lượng đi làm, con có đủ năng lượng đi học. NLĐ buộc phải làm thêm bởi lương thực tế còn thấp, không đủ để thuê nhà, nuôi con nên muốn làm thêm để đủ sống chứ không phải làm giàu. Khoản tiền làm thêm đóng góp phần đáng kể trong tổng thu nhập của người lao động. Đặc biệt, dịp lễ, Tết thì càng muốn làm thêm nhiều để có thu nhập trang trải đời sống gia đình.
Tính toán lại mức sống tối thiểu
Trong khi NLĐ than phiền lương thấp, nhiều DN cho rằng Chính phủ quy định tốc độ tăng lương tối thiểu quá nhanh, gây nhiều khó khăn cho họ. DN trả lương thực tế cho NLĐ dựa trên cơ sở LTT, kỹ năng và kinh nghiệm của NLĐ.
Bàn về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, LTT do Chính phủ quy định chỉ là mức sàn, nhằm hạn chế việc trả lương quá thấp, chống bóc lột, làm cơ sở để các DN xây dựng thang, bảng lương. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp đã lạm dụng mức này để trả lương cho hầu hết NLĐ, nên mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ rất thấp, chỉ trên mức LTT vùng khoảng 5-7%.
Hầu hết các DN cho biết, việc điều chỉnh LTT vùng đều làm tăng quỹ tiền lương, các khoản đóng góp theo lương dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất. Việc tăng lương quá nhanh có thể khiến NLĐ mất việc, vì các DN vốn đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn các thị trường khác, nơi giá nhân công rẻ hơn Việt Nam, để đầu tư. "Nông dân giờ còn sống tốt hơn NLĐ rất nhiều nếu biết làm biết ăn. Công nhân mắc bệnh mà không dám nói vì sợ doanh nghiệp cho thôi việc hoặc không có tiền để chữa bệnh. Nếu không quan tâm đến đối tượng này thì không biết tương lai họ và con cái ra sao? Tăng lương cho NLĐ là làm cho DN phải nâng cao quản trị, hiện đại hóa doanh nghiệp chứ mãi quen với lương thấp, NLĐ làm ăn thế nào cũng được thì nền kinh tế sẽ suy yếu", ông Ngọ Duy Hiểu cảnh báo.
Các chuyên gia lao động cho rằng, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vì lao động chăm chỉ, tính kỷ luật cao. Tăng LTT có thể tạo áp lực lên các DN về chi phí nhưng những yếu tố tích cực trên vẫn có thể giữ chân nhà đầu tư. Không thể mãi cạnh tranh chỉ bằng lao động giá rẻ.
"Thu nhập vừa đủ tức là giật gấu vá vai cho đủ. Chi tiêu tằn tiện là nay vay để tiêu, mai có lương thì trả, mà nói khó nghe là NLĐ phải bóp mồm bóp miệng để mình có đủ năng lượng đi làm, con có đủ năng lượng đi học. NLĐ buộc phải làm thêm bởi lương thực tế còn thấp, không đủ để thuê nhà, nuôi con nên muốn làm thêm để đủ sống chứ không phải làm giàu. Khoản tiền làm thêm đóng góp phần đáng kể trong tổng thu nhập của NLĐ. Đặc biệt, dịp lễ, Tết thì càng muốn làm thêm nhiều để có thu nhập trang trải đời sống gia đình"- TS. Vũ Quang Thọ (Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam)
Bình luận (0)