xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không nên tăng lương tối thiểu: Đề xuất vô cảm của VCCI!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% có thể có tích lũy

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia về việc tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019 tổ chức vào chiều 9-7 đã không đạt được kết quả. Trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại diện cho người lao động - NLĐ) đề xuất tăng 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng không nên tăng LTT. Sau phiên họp, không chỉ cán bộ Công đoàn (CĐ) mà công nhân (CN) lao động rất bất bình với đề xuất hết sức vô lý của VCCI.

Không tăng lương, công nhân sống bằng gì?

Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về mức điều chỉnh LTT vùng trong năm 2018, có 57,6% NLĐ đánh giá mức điều chỉnh là trung bình; 39% NLĐ cho biết mức điều chỉnh là thấp; 65,7% tạm hài lòng. Điều đó cho thấy cuộc sống NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, nhất là lao động ngoại tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Thủy, CN Công ty TNHH Dinsen (quận Bình Tân, TP HCM), bày tỏ: "Thu nhập chính của chúng tôi là lương, do vậy mong muốn lớn nhất là tiền LTT mỗi năm phải được cải thiện, có như vậy mới có thể trụ lại TP. Mấy năm gần đây, dù mức tăng LTT không đáng kể nhưng cũng giúp cuộc sống CN dễ thở phần nào. Hôm qua, nghe VCCI (đại diện cho chủ sử dụng lao động) đề nghị không tăng LTT năm 2019, chúng tôi hết sức thất vọng". Theo chị Thủy, đề xuất của VCCI là rất vô cảm, chưa thấy được khó khăn mà NLĐ đang đối diện hằng ngày. Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, NLĐ rất sợ bị doanh nghiệp (DN) sa thải, mất việc làm.

Không nên tăng lương tối thiểu: Đề xuất vô cảm của VCCI! - Ảnh 1.

Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 17 tỉnh, thành phố, hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống Ảnh: HỒNG ĐÀO

Cùng suy nghĩ ấy, chị Trần Kim Đậm, CN một DN giày da tại tỉnh Long An, bức xúc: "Đại diện VCCI nêu lý do thay vì nâng lương thì lấy kinh phí đó để DN nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động... là không thuyết phục. Báo chí thời gian qua đã phản ánh quá nhiều về tình trạng vắt chanh bỏ vỏ, tìm mọi cách đẩy NLĐ ra đường tại nhiều DN. Điều này khiến CN lâm vào cảnh mất việc làm trong khi họ chính là người đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của DN và xứng đáng được chăm lo tử tế hơn". Theo chị Trần Thu Hương, CN Công ty TNHH Sambu Vina Sports (huyện Hóc Môn, TP HCM), sau mỗi đợt tăng lương là giá cả sinh hoạt cũng té nước theo mưa, do vậy đời sống của đại đa số NLĐ cũng chẳng cải thiện là bao. "Tôi nghĩ mức tăng 8% như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là phù hợp. Tăng từ 220.000-330.000 đồng trong bối cảnh hiện tại có thể chỉ đủ bù trượt giá" - chị Hương chia sẻ.

Mức tăng 8% là hợp lý

Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM), năm nào NLĐ cũng được chứng kiến cuộc "trả giá" về tăng LTT giữa đại diện DN và đại diện của NLĐ. Ở góc độ của NLĐ, theo ông Hồng thì việc VCCI đề xuất không tăng LTT là không công bằng. "Chúng ta luôn hô hào rằng đến năm 2020, NLĐ sẽ sống được bằng lương nhưng hãy nhìn vào thực tế, nay đã nửa cuối năm 2018, có mấy CN không tăng ca mà có cuộc sống ổn định? Chỉ nói tại công ty tôi, thu nhập NLĐ ở mức khá so với mặt bằng chung nhưng nguồn thu một phần vẫn nhờ NLĐ cật lực tăng ca. Mỗi ngày, CĐ cơ sở tiếp nhận hàng chục cuộc gọi xác nhận từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính xem NLĐ đó còn làm việc ở công ty hay không để họ hoàn tất thủ tục cho vay vốn. Điều đó cho thấy cuộc sống NLĐ còn nhiều thiếu thốn, họ không có tích lũy nên khi hữu sự thì không còn cách nào khác là phải đi vay trả góp?" - ông Hồng nói.

Nhiều cán bộ CĐ cấp cơ sở cũng có suy nghĩ như ông Hồng. VCCI và các ông chủ DN hãy chịu khó tiếp cận để hiểu được hoàn cảnh của NLĐ, từ đó đưa ra đánh giá xác thực và xây dựng mức đề xuất tăng lương phù hợp. "Nền LTT quá thấp khiến CN không có nhiều sự lựa chọn trong vấn đề sinh hoạt. Họ phải ở những phòng trọ rẻ tiền, hằng ngày vẫn sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc… Theo tôi, khi nào mức lương đủ sống hoặc lạm phát bằng 0, NLĐ không còn lo lắng về giá cả tăng thì VCCI có thể đề xuất không tăng lương cho họ. Mức tăng 8% theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là có cơ sở, bảo đảm đến năm 2020 LTT sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ" - ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), bộc bạch.

Phải sẻ chia với công nhân

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chủ DN cũng tỏ ra bất ngờ với đề xuất không tăng LTT của VCCI.

Bà Trần Dy Lynh, Giám đốc Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), nhìn nhận: "Nếu cứ bám vào tiền LTT, chắc chắn CN khó sống nổi, nói chi đến tích lũy. Thực tế, nhằm san sẻ khó khăn với anh em CN, chúng tôi phải hỗ trợ thêm các khoản phụ cấp như chuyên cần, tay nghề, nhà trọ, xăng xe... mới có thể giúp họ ổn định cuộc sống trước mắt. Theo tôi, mức tăng LTT ít nhất cũng ngang bằng với năm 2018, nghĩa là khoảng 6,5%".

Cùng góc nhìn ấy, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hòa Bình, cho rằng VCCI nên có nghiên cứu thật kỹ những tác động tiêu cực đến đời sống NLĐ nếu đề xuất không tăng LTT. "Có việc làm ổn định và mức lương tương xứng là mong mỏi chính đáng của NLĐ. Do vậy, VCCI phải ngoài khảo sát thật kỹ thu nhập, chi tiêu sinh hoạt của NLĐ, từ đó xây dựng mức tăng phù hợp sao cho NLĐ an tâm. Tự thân DN cũng phải xem xét, có chính sách hỗ trợ CN cải thiện thu nhập bằng chính sách chăm lo thích hợp, giúp họ an tâm gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Chúng ta phải tính đến tương lai lâu dài của NLĐ khi xây dựng chính sách tiền lương" - ông Bình đề xuất.

Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thu nhập bình quân của NLĐ (không kể ăn ca) là gần 5.530.000 đồng/tháng, tăng 1,4% so với năm 2017. Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ còn nhận được tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN như tiền chuyên cần, tiền nhà ở, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, tiền hỗ trợ đời sống, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ. Trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) chiếm khoảng 15% tổng thu nhập của NLĐ, tức là tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85% thu nhập. Điều này cho thấy cuộc sống NLĐ còn vô vàn khó khăn" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá. 

Ông VŨ QUANG THỌ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Phải ổn định cuộc sống NLĐ

Khảo sát trên 30.000 phiếu tại 150 DN ở 4 vùng cho thấy tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao, số lượng DN mới được thành lập nhiều hơn số lượng DN giải thể. Đây là tín hiệu cho thấy tình hình kinh tế khả quan. Nghị quyết 27 của trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã nói đến năm 2020 kết thúc lộ trình LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Nếu năm tới mà đề xuất tăng lương thì mức điều chỉnh sẽ rất cao chứ không phải 8% nữa.

Vì những lý do này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng LTT vùng không thể dưới 8%. Đây là mức được tính toán cộng phần trăm trượt giá, tăng năng suất lao động, chênh lệch giữa mức LTT và nhu cầu sống tối thiểu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo