“Thay vì chấp nhận đề nghị bổ nhiệm phó giám đốc công ty như đã hứa trước khi vào làm việc, công ty lại cho tôi nghỉ việc. Tôi không đồng ý với cách hành xử của Công ty TNHH Xây dựng Thế Hưng (Công ty Thế Hưng) ở quận 10, TP HCM”. Chị Nguyễn Thị Hoa cho biết như vậy khi gửi đơn khiếu nại về việc bị Công ty Thế Hưng cho nghỉ việc.
Bội ước với người lao động
Khi phỏng vấn tuyển dụng, giám đốc Công ty Thế Hưng hứa sẽ nhận chị Hoa vào làm việc với vị trí trưởng phòng thương mại. Chị Hoa vào làm việc, công ty chỉ ban hành quyết định bổ nhiệm mà không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Cũng theo thỏa thuận, khi doanh số vượt chỉ tiêu kế hoạch, công ty sẽ bổ nhiệm chị Hoa vào chức danh phó giám đốc. Thế nhưng, sau đó, thay vì thực hiện lời hứa, Công ty Thế Hưng cho chị nghỉ việc. Chị gửi đơn khiếu nại nhưng không nhận được phản hồi từ phía công ty.
Tiếp nhận phản ánh của chị Hoa, chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Đỗ Lâm Tuyền, Phó Giám đốc Công ty Thế Hưng. Bà Tuyền cho biết “rất mệt mỏi với việc khiếu nại của người lao động (NLĐ) và đề nghị phóng viên liên lạc lại sau”. Đúng hẹn, chúng tôi vẫn không nhận được trả lời từ phía công ty.
“Tôi mong muốn vụ việc của mình được giải quyết trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận. Bất đắc dĩ lắm tôi mới kiện công ty ra tòa. Cách hành xử của công ty khác nào đem con bỏ chợ? Tôi đã hoàn thành công việc vượt chỉ tiêu thì cớ gì cho tôi nghỉ việc?” - chị Hoa thắc mắc.
Không chỉ hành xử bất nhất, một số doanh nghiệp (DN) còn buộc NLĐ cam kết trái luật. Vụ việc xảy ra tại DN Hoa Quả Sơn (quận 10, TP HCM).
Theo đơn phản ánh, NLĐ làm việc ở đây không được ký hợp đồng lao động, không được đóng BHXH. Khi NLĐ khiếu nại, quản lý DN thừa nhận đa số họ thường làm việc bán thời gian, hay bỏ việc ngang nên DN buộc làm cam kết không đóng BHXH khi vào làm việc. Đáng nói, khi trả lời báo chí, chủ DN khẳng định mình không vi phạm pháp luật lao động bởi đã làm đúng theo cam kết với NLĐ.
Không ký hợp đồng, không bố trí công việc theo đúng thỏa thuận ban đầu, đến khi NLĐ nghỉ việc, DN cũng không trả lương là sự việc xảy ra tại Công ty CP Khánh Đông (huyện Hóc Môn, TP HCM). Anh Trương Kiệt Thành (huyện Hóc Môn) cho biết khi nhận anh vào làm việc, công ty hứa hẹn đủ điều nhưng sau đó không thực hiện. Làm việc một thời gian, thấy công ty không ký hợp đồng, lo sợ quyền lợi không được bảo đảm, anh xin nghỉ việc. Công ty không trả lương những ngày anh đã làm việc, cũng không có câu trả lời thỏa đáng.
Cũng với kiểu lập lờ, hành xử trái luật, ông Phạm Văn Tuân, Giám đốc Công ty Dịch vụ Bảo vệ Secom Hoàng Gia (Đồng Nai) giải thích việc công ty không ký hợp đồng là do NLĐ làm việc không lâu dài, không ổn định. Còn việc trừ lương của NLĐ, ông Tuân lý giải do họ vi phạm nội quy công ty.
Hòa giải hơn là ra tòa
Sau khi xem xét trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa, luật gia Nguyễn Văn Thành, Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng với những gì có trong hồ sơ, rõ ràng giữa Công ty Thế Hưng và chị Hoa có phát sinh quan hệ lao động. Vì vậy, nếu công ty muốn chấm dứt hợp đồng với chị Hoa thì phải thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật lao động. “Cách thức mà công ty hành xử với NLĐ là trái pháp luật. Tốt nhất là hai bên ngồi lại thương lượng, hòa giải. Việc chẳng đặng đừng mới phải đưa nhau ra tòa” - luật gia Nguyễn Văn Thành nhìn nhận.
Đối với các trường hợp xảy ra ở DN Hoa Quả Sơn, Công ty CP Khánh Đông, Công ty Dịch vụ Bảo vệ Secom Hoàng Gia, luật gia Nguyễn Văn Thành đề nghị cơ quan thanh tra kiểm tra, xử lý những vi phạm của các đơn vị này để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết nhiều NLĐ mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải, thương lượng chứ không muốn khiếu nại hay khởi kiện. Ở góc độ nào đó, việc này có lợi cho DN khi không phải tốn công, tốn sức vào việc “đôi co” với những người trực tiếp mang lại lợi nhuận cho mình.
Bình luận (0)