Trước khi đề xuất sửa đổi chính sách, các bộ - ngành xin hãy đến tận xưởng tìm hiểu thật kỹ điều kiện làm việc và thu nhập của chúng tôi" - chị Cao Thị Thoa, quê ở Hưng Yên, CN một doanh nghiệp gia công giày ở quận Bình Tân, TP HCM - bộc bạch khi chúng tôi hỏi về đề xuất tăng tuổi hưu đối với người lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thu nhập bấp bênh buộc công nhân phải nai lưng tăng ca và đổi lại là tình hình sức khỏe ngày càng xuống dốc.
Bước vào nhà máy ở độ tuổi sung sức, chỉ sau hơn chục năm làm việc, ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi bởi điều kiện làm việc nóng bức, cường độ lao động cao. Thu nhập bấp bênh buộc họ phải nai lưng tăng ca và đổi lại là tình hình sức khỏe ngày càng xuống dốc. Lập gia đình và có con cái, gánh nặng chi tiêu càng đè lên cuộc sống vốn dĩ khó khăn của họ. Ở tuổi 40, từ một CN có năng suất cao nhất chuyền, do sức khỏe ngày một kém nên chị được bố trí qua khâu kiểm hàng. Cách đây vài tháng, nghe tin công ty sẽ "thanh lọc" bớt CN lớn tuổi để tuyển CN mới, chị rất lo cho tương lai. "Kiểu này chắc tôi xin nghỉ để nhận trợ cấp BHXH một lần, sau đó về quê tính kế sinh nhai. Lớn tuổi sẽ xin việc rất khó, do vậy về quê là lựa chọn cuối cùng của tôi" - chị Thoa chia sẻ.
Qua khảo sát, hiện tuổi nghỉ hưu bình quân của Việt Nam là 54,2 tuổi. Con số này cho thấy để đạt tuổi hưu như quy định hiện hành đã là khó, đặc biệt là CN trực tiếp sản xuất. Trong thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp sa thải lao động nữ ở tuổi 35 để tuyển dụng lao động trẻ. Những lao động nữ qua tuổi 40 như chị Thoa rất khó xin việc. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thêm nữa, chắc chắn họ chỉ có thể làm những công việc tự do, không thể tiếp tục đóng BHXH để hưởng lương hưu.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, do vậy cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động cả những yếu tố kinh tế - xã hội một cách khoa học, chính xác. "Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán trên cơ sở điều kiện sức khỏe, giới tính, ngành nghề, lĩnh vực. Chẳng hạn đối với khu vực hành chính sự nghiệp thì có thể xem xét nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ. Riêng đối tượng là CN khu vực trực tiếp sản xuất, dịch vụ thì không nên" - ông Quảng bày tỏ.
Bình luận (0)