Khoảng 1 năm trước, do bất cẩn khi đang làm việc, anh T.L.H (43 tuổi) - thợ bảo trì của một công ty chuyên lắp đặt, sửa chữa thang máy tại quận Tân Bình, TP HCM - bị tai nạn lao động (TNLĐ) chấn thương cột sống và liệt nửa người (tỉ lệ thương tật 96%). Là lao động chính nên sau vụ tai nạn, cả gia đình anh lâm vào cảnh bế tắc.
Tương lai mờ mịt
Sau thời gian điều trị tại bệnh viện và tập vật lý trị liệu ở nhà, đến nay anh H. vẫn chưa thể tự đi lại, mọi việc đều phụ thuộc vào vợ (lao động tự do). Hiện cả gia đình sống nhờ vào khoản trợ cấp TNLĐ hằng tháng (khoảng 4 triệu đồng) của anh. Anh H. lo nhất là việc học của 3 đứa con (lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi) bị dang dở. "Giá như tôi cẩn thận hơn khi làm việc" - anh H. bộc bạch.
Thí sinh thi thực hành sơ cấp cứu tại Hội thi “An toàn - vệ sinh viên” do Khối thi đua 3 của LĐLĐ TP HCM tổ chức. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Do bất cẩn của đồng nghiệp, anh N.V.B (40 tuổi) - công nhân (CN) một công ty sản xuất giày ở quận Bình Tân, TP HCM - vĩnh viễn mất đi một cánh tay (tỉ lệ thương tật 58%). Trước thời điểm bị TNLĐ, anh là một thanh niên khỏe mạnh với nhiều hoài bão. Do vậy, hậu quả của vụ TNLĐ khiến anh B. suy sụp tinh thần trong một thời gian dài. Điều an ủi là anh vẫn được công ty bố trí công việc phù hợp. Dù thu nhập không được như trước nhưng anh vẫn có thể tự nuôi sống bản thân.
Hai bên đều thiệt hại
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ TNLĐ làm 6.658 người bị nạn, trong đó có 786 người chết. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ gây ra (bao gồm: chi phí y tế, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...) là trên 3.954 tỉ đồng và thiệt hại về tài sản trên 18 tỉ đồng.
Ngoài sự bất cẩn của người lao động (NLĐ) thì phần lớn nguyên nhân gây ra TNLĐ chết người chủ yếu do người sử dụng lao động khi không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn và không huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) cho NLĐ. Vụ TNLĐ xảy ra tại một xưởng cơ khí ở TP Hà Nội là một minh chứng. Tại xưởng cơ khí do ông N.H.S làm chủ có sử dụng một số lao động nhưng không ký hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT.
Khi nhận người vào làm việc, ông S. cũng không kiểm tra chứng chỉ, bằng cấp của NLĐ, không tổ chức tập huấn ATLĐ cho NLĐ. Cuối tháng 8-2020, bình hơi tại xưởng phát nổ khiến 1 CN tử vong tại chỗ và 1 CN khác bị dập nát 2 chân. Sau vụ việc, ông S. bị khởi tố vì sử dụng lao động chưa qua đào tạo và cũng chưa huấn luyện ATLĐ cho NLĐ. Tại phiên tòa cách đây không lâu, ông S. đã phải bồi thường cho 2 CN bị nạn tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Vụ TNLĐ do rơi vận thăng lồng (thiết bị nâng hạ dùng để thi công các công trình nhà cao tầng) xảy ra tại công trường xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An vào tháng 1-2021 khiến 3 CN tử vong và 8 CN khác bị thương. Hai giám đốc doanh nghiệp và 1 cộng tác viên đã bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về ATLĐ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài khoản thỏa thuận bồi thường cho NLĐ, tại phiên tòa cách đây ít lâu, các bị cáo còn bị tuyên phạt từ 3-4,5 năm tù.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết trong năm 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 544 vụ TNLĐ, giảm 45,9% so với năm 2020. Trong đó có 52 vụ TNLĐ gây chết người (52 người chết), giảm 33 vụ so với năm trước, ngoài ra còn có 36 người bị thương nặng. TNLĐ xảy ra chủ yếu tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp như may mặc (95 vụ); gia công, sản xuất các sản phẩm kim loại (77 vụ); sản xuất giày, dép (76 vụ); da giày (53 vụ).
Riêng lĩnh vực thi công xây dựng vẫn chiếm tỉ lệ tử vong cao, 16/52 vụ (tỉ lệ 30,77%). Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn (217 vụ); nguyên nhân khách quan khó tránh (206 vụ); không có thiết bị an toàn, thiết bị không bảo đảm an toàn (18 vụ); không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (17 vụ)...
Các doanh nghiệp, cơ sở để xảy ra TNLĐ trong năm 2021 đã bị thiệt hại hơn 12,6 tỉ đồng gồm chi phí y tế, trả lương trong thời gian điều trị, bồi thường...
Bình luận (0)