Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT có thể tra cứu lịch sử 6 lần KCB gần nhất của người có thẻ BHYT đến KCB tại đơn vị.
Người dân khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn
Ngoài ra, các cơ sở KCB BHYT được tra cứu, kết xuất dữ liệu các danh mục dùng chung trên hệ thống thông tin giám định BHYT, bao gồm: Thuốc, máu, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật; Thuốc cấp số đăng ký, thuốc kê khai, kê khai lại; Bảng giá dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung toàn tỉnh; Nhân viên y tế, trang thiết bị sử dụng tại cơ sở KCB. Hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; Kết quả giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT...
Theo BHXH Việt Nam, việc cho phép tra cứu lịch sử KCB của người có thẻ trên hệ thống Hệ thống thông tin giám định bảo BHYT nhằm phối hợp kiểm tra, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Thống kê của BHXH Việt Nam đã cho thấy nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT là khá cao. Tính đến ngày 31-8-2017, cả nước đã có 107,11 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với số tiền 54.952 tỉ đồng (vượt khoảng 6.074 tỉ đồng so với dự toán). Có 38 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016, một số tỉnh gia tăng trên 70% như: Kon Tum, Quảng Trị, Bình Phước, Khánh Hòa. Có 15 tỉnh tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh như Bình Phước 42,4%, Hậu Giang 33%, Bình Dương 31,4%...
Đánh giá về tình hình vượt chi quỹ khám chữa bệnh BHYT, lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định sẽ không chấp nhận những chi phí có nguyên nhân chủ quan do cơ sở y tế kê sai, lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, không có chuyện cơ quan BHXH từ chối thanh toán chi phí tăng cao, kể cả vượt quỹ nếu do nguyên nhân khách quan và cơ sở y tế giải trình được chi phí hợp lý. BHXH Việt Nam đang yêu cầu BHXH 8 tỉnh đã tiêu hết quỹ khám chữa bệnh BHYT thẩm định lại chi phí vượt trần, vượt quỹ. Dựa trên kết quả thẩm định đó, BHXH Việt Nam sẽ xem xét thanh toán và cấp ứng kinh phí, kiên quyết kiểm soát chặt chẽ những cơ sở vượt trần, vượt quỹ không đúng quy định.
Bình luận (0)