“Chứng kiến người bệnh có thể đi lại trên đôi chân giả do mình và đồng nghiệp làm ra, tôi vô cùng hạnh phúc. Được góp chút công sức giúp người nghèo hòa nhập với cuộc sống, tôi tin rằng mình đã chọn đúng nghề”. Ông Đặng Anh Tú, Phó Quản đốc Xưởng Chỉnh hình Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, tâm sự như vậy khi nói về công việc hằng ngày. Ông Tú là 1 trong 38 gương điển hình học tập Bác vừa được LĐLĐ quận 3, TP HCM tuyên dương.
Học Bác đức tính tiết kiệm
Trở về từ chiến trường Campuchia, năm 1984, ông Tú vào Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM làm công nhân (CN) ở xưởng chỉnh hình. Ông kể: “Chiến trường Campuchia rất khốc liệt, biết bao đồng đội của tôi đã ra đi mãi mãi và cũng có rất nhiều người trở về với thân thể không lành lặn. Tôi thấy mình may mắn vì trở về vẹn nguyên. Chính điều này đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để san sẻ những đau thương, mất mát của đồng đội”.
Thấm thoắt đã 32 năm trôi qua, 32 năm ông Tú cặm cụi rồi ăn ngủ cùng những chân, tay giả.
Từ làm nhiệm vụ chính trị, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM chuyển sang phục vụ những bệnh nhân bị mất chi do bị tai nạn giao thông, bệnh đái tháo đường, phong… Mỗi sản phẩm chỉ sản xuất dành riêng cho một bệnh nhân. Do vậy, khi họ đến trung tâm lắp đặt chân giả, ông Tú và đồng nghiệp phải hỏi thăm kỹ để sản phẩm làm ra vừa khớp, không thừa cũng không thiếu, phù hợp với tình trạng thương tật thực tế. Tùy vào mức độ khó hay dễ của sản phẩm mà quá trình sản xuất có thể là 3 ngày hoặc 1 tháng.
Đa số bệnh nhân tìm đến trung tâm đều rất khó khăn, nếu chờ đợi lâu thì chi phí sinh hoạt sẽ phát sinh thêm. Từ trăn trở ấy, ông Tú cùng đồng nghiệp cố gắng rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm nhằm giúp bệnh nhân giảm chi phí ăn ở, đi lại. Điều này cũng tiết kiệm được chi phí sản xuất cho trung tâm. Chứng kiến sự hài lòng của họ khi thử sản phẩm, ông rất vui. “Rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm là cách học Bác đức tính tiết kiệm thiết thực nhất” - ông Tú bộc bạch.
Xoa dịu nỗi đau
Tiếng lành đồn xa, không chỉ ở các tỉnh, thành phía Nam mà bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành khác cũng tìm đến xưởng đặt làm sản phẩm. Họ tìm đến xưởng không chỉ bởi chất lượng sản phẩm tốt mà còn vì được nhân viên ở đây phục vụ chu đáo, tận tình. Trong năm 2015, chỉ với 17 nhân công, xưởng đã chế tạo 1.400 chân giả, nẹp, giúp 14.000 bệnh nhân hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Mỗi CN ở xưởng hiểu rõ người bệnh tìm đến đây là những người rơi vào trạng thái cùng cực của sự đau khổ, hụt hẫng vì bệnh tật, tai nạn. Vì thế, việc làm ra một sản phẩm tốt sẽ bù đắp phần nào sự mất mát về tinh thần lẫn thể xác cho bệnh nhân, giúp họ lạc quan và tin tưởng vào tương lai phía trước. Từ suy nghĩ ấy, không ai nhắc ai, tất thảy đã nỗ lực hết mình để phục vụ người bệnh, không có hành vi phân biệt đối xử.
Chứng kiến những bệnh nhân bị phong, chân tay lở loét nhưng đội ngũ nhân viên ở xưởng vẫn vui vẻ tiếp xúc, hỏi han và tư vấn họ sử dụng sản phẩm, chúng tôi càng thêm khâm phục. “Thái độ phục vụ của nhân viên sẽ tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ” - ông Tú tâm sự.
Nhiều bệnh nhân người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xuống, người nghèo ở các tỉnh phía Nam đến với trung tâm, họ được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng chân giả nhưng lại không có tiền ăn. Những lúc ấy, ông Tú cùng đồng nghiệp bớt một phần thu nhập ít ỏi của mình để giúp họ vượt qua khó khăn.
Nhìn lại quãng đời làm CN, ông Tú nói điều khiến ông hạnh phúc nhất là khi thấy bệnh nhân của mình thành công trong cuộc sống. Cách đây gần 30 năm, có người đàn ông bị cụt 2 chân do chiến tranh tìm đến yêu cầu ông làm cho đôi chân giả. Bằng tất cả tình yêu nghề, ông đã chế tạo một đôi chân thật đẹp, thật vừa với người này. Nhiều năm sau đó, biết được bệnh nhân của mình vượt qua khó khăn và trở thành một doanh nhân thành đạt, ông vô cùng hạnh phúc.
Ông Tú cũng không thể quên trường hợp một cô gái rất trẻ, bị mất một chân do tai nạn giao thông tìm đến xưởng với tâm trạng chán chường, bi quan. Hiểu được tâm trạng của cô, ông đã động viên: “Cố lên con gái. Chú hứa sẽ chế tạo cho cháu một chiếc chân thật đẹp, thật êm và cháu có thể đi đứng tự nhiên như bao người bình thường khác”. Ông đã làm được điều đó. Đến nay, cô gái ấy đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại một ngân hàng lớn.
“Anh Tú không chỉ là một thợ giỏi mà còn là một đồng nghiệp nhiệt tình, hết lòng chỉ dẫn, truyền nghề cho các thợ trẻ” - anh Nguyễn Đạo Nghĩa, công nhân xưởng chỉnh hình, nhận xét.
Bình luận (0)