Ở Trung tâm Dịch vụ Viễn thông SPT (thuộc Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn), anh Trương Thế Hùng được biết đến như một gương lao động sáng tạo điển hình. Dù còn trẻ nhưng bằng sự nhiệt huyết và đam mê học hỏi, anh đã có nhiều cống hiến và đem lại lợi ích lớn cho đơn vị.
Mở rộng dịch vụ S-WiFi miễn phí
Tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông chuyên ngành điện tử viễn thông, anh Hùng đã làm việc ở nhiều nơi trước khi gia nhập Trung tâm Dịch vụ Viễn thông SPT vào năm 2010. Nhiệm vụ của anh là lên kế hoạch cho những chương trình, dự án mới của trung tâm. Đặt hết tâm huyết vào công việc, anh đã đề xuất một dự án khá táo bạo là triển khai mạng lưới S-WiFi miễn phí cho người dân TP HCM. Ban đầu, nhiều người nghi ngờ vì tính khả thi của dự án bởi nếu chỉ phát miễn phí thì làm sao doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận? Nhưng bằng một kế hoạch chặt chẽ, đưa ra những con số chứng minh cụ thể, cuối cùng, dự án của anh đã thuyết phục được ban lãnh đạo đồng ý.
Anh Trương Thế Hùng hướng dẫn các nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh
Chia sẻ cách vận hành của dự án, anh Hùng cho biết trước khi đăng nhập để sử dụng mạng miễn phí, người dùng WiFi phải xem đoạn clip ngắn quảng cáo. Do vậy, lượt đăng nhập càng nhiều, lợi nhuận thu được sẽ càng cao. Ban đầu, S-WiFi chỉ phát tại quận 1, quận 3, quận 5. Trong tương lai gần, S-WiFi sẽ được triển khai trên toàn TP. Không chỉ thế, tiếng lành đồn xa, S-WiFi đã được các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu đặt hàng.
Nhận xét về mạng S-WiFi miễn phí, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, ngụ quận 1, TP HCM, cho biết: "Là người trẻ, tôi hay lên mạng để tìm tài liệu cho công việc, kết nối bạn bè hoặc đọc báo. Từ ngày có S-WiFi miễn phí, tôi có thể sử dụng mạng mọi lúc, mọi nơi. Điều này rất tiện lợi. Bạn bè tôi ở những tỉnh, TP khác đến cũng khá ngạc nhiên khi biết TP HCM có WiFi miễn phí".
Năng nổ, nhiệt tình
Không riêng dự án S-WiFi, trong quá trình làm việc, anh Hùng còn có nhiều ý tưởng, sáng kiến khác. Điển hình như việc đề xuất công ty thực hiện ngầm hóa mạng cáp viễn thông. "Việc ngầm hóa này thực hiện đúng chủ trương của UBND TP về xây dựng TP văn minh, không để dây điện, dây cáp ngang dọc trên các tuyến đường. Việc làm này cũng bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống ở các tuyến đường" - anh kể.
Tuy nhiên khi thực hiện chương trình lại xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp. Cụ thể, việc xuất nguyên liệu phải trải qua nhiều bước như đề nghị xuất, đề nghị nhập, đưa vào kho xuất nhập, nguyên liệu dư phải làm giấy đề nghị trả… Nhận thấy quy trình quá rườm rà, nhiều khi làm chậm tiến độ công trình, anh Hùng đã đề xuất đội thi công chủ động xuất nhập nguyên liệu, sau khi hoàn thành công trình sẽ hoàn thiện giấy tờ sau. Việc làm này đã giúp trung tâm giảm từ 5% đến 10% chi phí.
Sáng tạo, nhiệt tình trong công việc, anh Hùng còn được biết đến bởi tính cách lạc quan, không nản chí trước khó khăn. Thực tế, không phải kế hoạch nào của anh cũng thuận lợi hoặc được chấp nhận ngay. Anh kể nhiều khi kế hoạch đã duyệt, nguyên liệu đã xuất kho, nhân công sẵn sàng nhưng giấy phép chưa có cũng "chịu chết". Thế nhưng không vì thế mà Hùng nản chí. "Trong cái khó sẽ giúp mình động não nhiều hơn để tìm cách gỡ khó. Chính vì vậy mà với tôi, khó khăn cũng là cơ hội để thử thách chính mình" - Hùng chia sẻ.
Ông Trần Tấn Đức, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn:
Hạt giống tốt
Tuy mới qua 7 năm công tác nhưng ban giám đốc nhận thấy Hùng là một lao động trẻ, nhiệt tình trong công việc cũng như trong các phong trào. Đây là một hạt giống tốt để doanh nghiệp, Đảng ủy, Công đoàn bồi dưỡng và phát triển. Tháng 2-2017, ban giám đốc đã đề bạt Hùng làm phó Phòng Kế hoạch Kinh doanh của Trung tâm Dịch vụ Viễn thông SPT và anh đã phát huy tốt vai trò của mình ở vị trí mới.
Bình luận (0)