Ở Tổng Công ty Liksin, chất lượng, uy tín của đơn vị này được khẳng định qua từng sản phẩm. Và chính bàn tay, khối óc của người thợ đã tạo nên những sản phẩm đó. Tại đây, mỗi năm có đến hàng ngàn sáng kiến ra đời và có từ 1 đến 2 người thợ được vinh dự nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Từng người thợ đều có sáng kiến
Chúng tôi gặp lại anh Hoàng Tiến Dũng, Phó Quản đốc Phân xưởng In ống đồng Xí nghiệp Bao bì Liksin, người đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2015. Khi được hỏi: “Từ khi đoạt giải thưởng cao quý ấy, anh có sáng kiến nào nữa không?”, anh tự hào khoe: “Lúc nào tôi cũng nghĩ mình là người thợ của Liksin và mỗi người thợ không được ngơi nghỉ bất cứ lúc nào. Từ năm 2015 đến 2016, tôi có 20 sáng kiến, làm lợi cho xí nghiệp hơn 4 tỉ đồng”.
Bước chân vào xí nghiệp là một công nhân với trình độ tốt nghiệp THPT, người thợ in ấy đã miệt mài học tập các chương trình đại học, nâng cao để tự hoàn thiện mình. Buổi gặp gỡ giữa tôi và anh Dũng cũng kết thúc sớm để anh còn kịp vào lớp học kỹ năng truyền đạt kiến thức do Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam và Nhật Bản hợp tác giảng dạy. Trăn trở nhất của anh hiện nay là kỹ thuật in của Liksin đứng đầu cả nước về mức độ hiện đại, tinh tế nhưng vẫn còn thua các nước trong khu vực và thế giới. “Tôi mong muốn mình có cơ hội tiếp cận được nhiều hơn với máy móc, công nghệ mới” - anh Dũng chia sẻ.
Một người thợ khác của Liksin cũng từng đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng là anh Ngô Văn Miên, tổ trưởng tổ điện - điện tử Công ty CP Máy An Phát. Từ một kỹ sư tốt nghiệp ngành tự động điều khiển của một trường đại học ở TP HCM chỉ có lý thuyết, không hề được tiếp xúc trực tiếp đến máy móc, thiết bị, anh Miên dò dẫm tự học lại từ đầu và học ở các đồng nghiệp lớn tuổi. Công ty có xe đưa đón từ TP HCM đến KCN Tân Đức, nơi công ty anh đóng, thế nhưng anh từ chối, tự đi xe máy để chủ động hơn trong công việc, bất cứ lúc nào khách hàng gọi sửa chữa, bảo trì điện là anh có mặt ngay. Mỗi năm, anh Miên đều có 5-6 sáng kiến, làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng. Anh đã vinh dự nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014.
Người đi trước kèm người đi sau
Ông Bùi Nguyễn Nam Khai, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Liksin, cho biết phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” đã trở thành tâm điểm của mỗi công ty thành viên và mỗi người thợ đều ý thức được họ luôn luôn phải đổi mới, học hỏi, sản phẩm hôm nay phải đẹp hơn hôm qua. Để thực hiện được điều này, ban giám đốc và ban chấp hành CĐ tổng công ty đã thành lập tổ hỗ trợ sáng kiến. Thành viên của tổ là những tổ trưởng, quản đốc, những cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Lao động sáng tạo... của tất cả xí nghiệp, công ty bên dưới gộp lại.
Chính những cá nhân tiêu biểu này đã lắng nghe, hướng dẫn các thợ trẻ khi họ có ý tưởng rồi triển khai thí nghiệm, thực hành đến khi ý tưởng đó trở thành sáng kiến. Cũng chính những người thợ cả này đã hướng dẫn cách viết báo cáo, trình bày đề tài cho các thợ trẻ khi họ tham gia giải thưởng, chương trình. “Cứ người đi trước kèm người đi sau, dần dần tất cả người thợ đều vững tay nghề, giỏi chuyên môn” - ông Khai cho biết.
Không chỉ thế, mỗi năm, Tổng Công ty Liksin đều chọn một “Người thợ trẻ tiêu biểu” để đánh trống khai hội Liksin. Người vinh dự được chọn phải có sáng kiến, cải tiến cụ thể trong công việc và năng lực, triển vọng để phát triển thành cán bộ quản lý của Liksin. Ông Nguyễn Ngọc Minh Thy, Tổng Giám đốc Liksin, cho biết: “Từ năm 2001 đến nay, Liksin đã chọn được 15 người thợ trẻ, giỏi đánh trống khai hội. Đến nay, các thợ trẻ này đều giữ chức vụ quan trọng trong các xí nghiệp, công ty và nhiều người đã khẳng định được năng lực, sự sáng tạo, khả năng cống hiến cho tổng công ty. Như bản thân tôi, cũng là người được chọn đánh trống vào năm 2002 khi đang giữ chức vụ phó giám đốc Xí nghiệp In nhãn hàng”.
Hơn 5.000 sáng kiến ra đời
Trong giai đoạn 2011-2016, từ phát động của CĐ tổng công ty, các CĐ cơ sở đã phối hợp cùng giám đốc các đơn vị phát động 2 phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và “Sáng kiến, cải tiến”. Kết quả, hơn 5.000 sáng kiến đã được áp dụng với giá trị làm lợi hơn 40 tỉ đồng. CĐ đã gửi 34 hồ sơ tham gia Giải thưởng Tôn Đức Thắng, trong đó có 13 cá nhân đạt giải thưởng.
Bình luận (0)