"Công ty chúng tôi vốn là một doanh nghiệp (DN) tư nhân, sau đó được một tập đoàn của Nhật Bản mua lại. Thời điểm chuyển giao, công ty thường xảy ra đình công và Công đoàn (CĐ) gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động bởi chủ DN chưa hiểu hết về vị trí, vai trò của tổ chức CĐ Việt Nam. Chính vì vậy, ngay từ đầu, ban chấp hành (BCH) CĐ xác định mục tiêu phải làm sao để nhà đầu tư thay đổi cách nhìn đối với tổ chức CĐ". Đây là chia sẻ của ông Mai Văn Viên, Chủ tịch CĐ Công ty CP TM-SX Tân Việt Xuân (100% vốn nước ngoài; quận Bình Thạnh, TP HCM), tại buổi tọa đàm "Giải pháp xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh" do Cụm thi đua 2 tổ chức mới đây.
Giúp DN hiểu đúng về Công đoàn
Hiểu được thực tế rằng không thể một sớm một chiều có thể thay đổi cách nhìn từ chủ DN nên BCH CĐ cơ sở quyết định chọn cách làm kiểu "mưa dầm thấm lâu". Đầu tiên, các thành viên trong BCH CĐ động viên nhau tự trau dồi trình độ ngoại ngữ để có thể trao đổi trực tiếp với ban giám đốc người nước ngoài, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động (NLĐ). Sự tự tin trong giao tiếp cùng kiến thức nền về pháp luật lao động vững vàng đã giúp BCH CĐ chuyển tải trực tiếp thông tin về chế độ chính sách đến ban giám đốc, góp phần hỗ trợ DN hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ NLĐ. "Đây chỉ là bước khởi đầu nhằm giúp DN hiểu rõ hơn vai trò của CĐ, từ đó xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề khác liên quan đến quan hệ lao động" - ông Viên cho biết.
Các đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm
Chưa dừng lại đó, các thành viên BCH CĐ còn thường xuyên vận động tập thể lao động thực hiện tốt trách nhiệm của mình, đồng thời thể hiện tinh thần đồng hành cùng DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với sự trợ sức hiệu quả của tập thể lao động, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh được tháo gỡ và điều đó thực sự gây thiện cảm cho chủ DN. "Việc hằng quý ban giám đốc đều cử người đại diện từ Nhật Bản sang Việt Nam để đối thoại với CĐ và tập thể lao động cho thấy nhà đầu tư đánh giá rất cao vai trò của CĐ cơ sở" - ông Viên bày tỏ.
Cũng gặp khó khăn lúc khởi đầu, thế nhưng bằng sự nhạy bén, CĐ Công ty CP Dược phẩm An Nhiên (quận 8, TP HCM) đã từng bước tạo dựng được uy tín với DN lẫn tập thể lao động. Số đoàn viên tăng từ 10 lên 170 (chiếm hơn 90% số lao động). Chia sẻ bí quyết, ông Lê Đình Chi, chủ tịch CĐ công ty, cho biết để tạo dựng uy tín với ban giám đốc, trước tiên CĐ cơ sở phải làm thật tốt vai trò của mình, trong đó ưu tiên hàng đầu là phải tập hợp cho được NLĐ. Từ suy nghĩ thực tế ấy, ngay khi CĐ cơ sở được thành lập, BCH CĐ đã bắt tay xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu tài chính CĐ, nhất là quy chế làm việc giữa ban giám đốc và CĐ cơ sở. Song song đó là việc hình thành các tổ CĐ theo quy mô tổ chức sản xuất tại DN. Chưa hết, CĐ còn duy trì sinh hoạt định kỳ nhằm triển khai kế hoạch hoạt động của từng quý. Với nền nếp sinh hoạt bài bản, CĐ dễ dàng nhận diện những khó khăn cũng như thuận lợi trong hoạt động để có hướng điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của NLĐ. Với sự linh hoạt ấy, hoạt động CĐ dần đi vào thực chất, thu hút ngày càng đông NLĐ đến với tổ chức và tạo được niềm tin cho DN.
Cán bộ CĐ phải năng động, sáng tạo
Theo các đại biểu, công tác phát triển đoàn viên, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh, không đơn giản. Có nơi, khi được vận động gia nhập CĐ thì NLĐ lại chất vấn cán bộ CĐ: Vào CĐ để được gì?
Ông Nguyễn Văn Chức, Chủ tịch CĐ Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (100% vốn tư nhân; quận Tân Phú, TP HCM), chia sẻ: "Lao động trình độ cao thường suy nghĩ với điều kiện làm việc và thu nhập của họ thì không nhất thiết phải tham gia CĐ. Để có thể vận động đối tượng này, CĐ cơ sở phải chứng minh hiệu quả hoạt động, nghĩa là phải làm sao cho họ thấy được lợi ích của việc gia nhập CĐ". Từ suy nghĩ ấy, cùng với nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, BCH CĐ tập trung vào thực hiện chức năng đại diện, trong đó ưu tiên hàng đầu là thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Với sự khéo léo và tinh tế trong đàm phán của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở, thỏa ước lao động tập thể tại DN được ký kết có 16 nội dung có lợi hơn cho NLĐ. Ngoài ra, CĐ còn chủ trì hoặc phối hợp cùng DN xây dựng các quy chế, quy định trong đơn vị như nội quy lao động, bảo hộ lao động, quy chế thi đua khen thưởng, quy chế lương - thưởng... "Nhất thiết mọi quy chế, quy định phải do CĐ dự thảo và đề xuất, có như vậy mới nắm thế chủ động trong việc thực hiện chức năng đại diện. Đây cũng chính là hành lang pháp lý để CĐ đàm phán, thương lượng chính sách chăm lo cao hơn cho NLĐ" - ông Chức cho biết. Chứng kiến tầm quan trọng của CĐ, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 250 lao động tự nguyện gia nhập, nâng tổng số đoàn viên hiện có lên 1.700/1.750 lao động (chiếm tỉ lệ 96%).
"Người được chọn làm thủ lĩnh CĐ ngoài năng lực chuyên môn còn phải có tâm huyết và có tầm nhìn, có như vậy mới tạo được uy tín cả với DN lẫn NLĐ. Hoạt động CĐ cơ sở phải thường xuyên đổi mới theo hướng gắn liền với tình hình sản xuất của DN, bám sát đời sống của NLĐ" - bà Nguyễn Thị Kim Vui, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận Tân Phú, TP HCM, nhận định.
Bình luận (0)