Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết đến nay, đã nhận được 59 văn bản góp ý của 17 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các hội, đoàn thể, doanh nghiệp (DN)... liên quan đến nội dung của dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động.
Dự thảo nghị định quy định 3 chế độ cơ bản mà NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện được hưởng, tương tự như tham gia BHXH bắt buộc: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Chế độ trợ cấp một lần, hằng tháng, phục vụ; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình. Dự thảo cũng quy định các trường hợp TNLĐ được hưởng và không được hưởng chế độ bảo hiểm.
Dự thảo về Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện xây dựng theo nguyên tắc: Quỹ bảo hiểm TNLĐ không phải là Quỹ được tổ chức độc lập, chỉ là Quỹ thuộc Quỹ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) trong Quỹ BHXH, nhưng được hạch toán độc lập để đánh giá cân đối thu chi, điều chỉnh linh hoạt mức đóng theo yêu cầu thực tiễn.
Dự thảo Nghị định quy định 4 phương thức đóng cho NLĐ lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Mức đóng được quy định cố định theo mức lương cơ sở với mọi người lao động để bảo đảm linh hoạt tăng, giảm đồng bộ với mức hưởng. Dự kiến mức đóng là 4% mức lương cơ sở. Với mức lương cơ sở năm 2017 là 1.300.000 đồng/tháng thì mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện tương ứng là 52.000 đồng/người/tháng.
Đặc biệt, người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm TNLĐ hằng tháng, bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với NLĐ khác.
Bình luận (0)