Sự phát triển nhanh, mạnh của xã hội hiện đại tạo ra nhiều ưu thế cho các bạn trẻ bước vào đời nhưng cũng mang lại không ít thách thức. Vì một mức lương chưa vừa ý, môi trường làm việc không thuận lợi, người lao động (NLĐ) sẵn sàng nghỉ việc để chờ đợi những cơ hội phù hợp. Làm thế nào để lao động trẻ - những người có nền tảng kiến thức nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống nhìn nhận đúng về trình độ của bản thân và vị trí việc làm tương xứng, tránh "chảy máu chất xám" tại chỗ là câu chuyện cần lưu tâm.
Đủ kiểu thất nghiệp tự nguyện
Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hộu (LĐ-TB-XH), tình hình lao động - việc làm gần đây có sự chuyển biến tích cực. Tỉ lệ thất nghiệp giảm, số người có việc làm tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Dù vậy, trong quý II-2017, con số thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học trở lên vẫn "tăng đều".
Cụ thể, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 183.100 trường hợp, tăng hơn 44.000 người so với quý trước. Câu chuyện cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp; cử nhân ra trường đi bán trà đá, giao hàng… đã là chuyện không còn lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu việc làm lưu ý một vấn đề khác của nhóm lao động này là tình trạng thất nghiệp tự nguyện đang ngày một tăng cao.
Trò chuyện với người lao động có trình cao đẳng, đại học tại những ngày hội việc làm, nhiều cử nhân cho biết, nguyên nhân họ tự nguyện thất nghiệp là vì công việc vất vả, lương thấp, không hợp tính của "sếp" hoặc đơn giản là… chán thì nghỉ. Đang là nhân viên marketing cho một công ty bất động sản, lương trung bình khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Khánh Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn nộp đơn xin nghỉ việc. Giải thích về quyết định của mình, chị Ngọc tâm sự: "Việc quá nhiều, áp lực từ khách hàng, cấp trên khiến tôi rất căng thẳng. Tôi tự nguyện nghỉ việc vài tháng để xả hơi rồi tìm việc khác. Lo gì, nếu chưa tìm được việc khác tôi sẽ học lên thạc sĩ!". Khi được hỏi, không có thu nhập thì lấy gì nuôi sống bản thân và theo đuổi việc học, chị Nguyễn Khánh Ngọc không ngần ngại trả lời: "Khi nào cần, gia đình mình sẽ trợ cấp ngay".
Không gặp phải áp lực công việc như chị Nguyễn Khánh Ngọc, anh Hoàng Tùng Lâm (Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tốt nghiệp một trường đại học kinh tế tốt nhất Việt Nam, tôi nhận lời làm cho một công ty bảo hiểm sau khi đã suy nghĩ kỹ càng. Thế nhưng, chuyện họp hành liên miên, những thủ tục hành chính phức tạp khiến tôi nhanh chóng chán ngán. Tôi xin nghỉ việc và tiếp tục đầu quân cho một công ty khác. Mọi chuyện vẫn không như mong muốn. Qua mấy lần như vậy, từ thất nghiệp tự nguyện tôi rơi vào tình trạng thất nghiệp dài hạn lúc nào không hay...".
Phải có mục tiêu rõ ràng
Bàn về vấn đề thất nghiệp tự nguyện là cá tính hay ảo tưởng, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại diện tuyển dụng của một công ty bảo hiểm cho biết, việc NLĐ làm một thời gian rồi xin nghỉ để theo đuổi những cơ hội tốt hơn cũng không có gì lạ. "Tự tin với năng lực của bản thân là tốt. Tuy nhiên, lao động trẻ, sinh viên mới ra trường cần có cái nhìn tương xứng giữa năng lực và kỳ vọng xin việc.
Tôi đã có dịp làm việc với nhiều cử nhân, thạc sĩ du học ở nước ngoài về, các bạn bị ảo tưởng nhiều quá về bản thân. Một số người tỏ ra kiêu, chảnh mà quên rằng hòa nhập, thích ứng và học hỏi từ xung quanh là những điều cần thiết để phát huy hết khả năng của mình. Do vậy, không ít sinh viên du học về nước vẫn không có việc làm, cả chủ động lẫn bị động", bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết
Trả lời câu hỏi nên khuyến khích hay khuyên ngăn lao động trẻ lựa chọn thất nghiệp tự nguyện trên con đường khởi nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho hay, xã hội nên khuyến khích sự khác biệt, để giới trẻ có cơ hội phát huy cái riêng của mình. Tuy nhiên, để đạt được những cơ hội tốt hơn, ngoài việc xác định được mục tiêu rõ ràng, NLĐ cần phải có thái độ đúng đắn trong công việc. Thất nghiệp tự nguyện một mặt tạo ra thách thức, nếu có khả năng vượt qua sẽ khẳng định được năng lực bản thân. Mặt khác, nếu nhìn nhận không đúng, sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực và chi phí đào tạo.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, việc NLĐ không nhìn nhận rõ năng lực của bản thân cũng phản ánh chất lượng đào tạo không phù hợp. Để giải quyết gốc rễ vấn đề, cần cải thiện chất lượng giáo dục, đảm bảo gắn liền với nhu cầu thực tế. Cần tạo ra sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, để có thể chọn lọc và hướng dẫn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho sinh viên được làm quen với môi trường làm việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hơn thế nữa, ngay từ khi xác định chọn trường, chọn nghề hay thi đại học, cần lựa chọn chính xác, phù hợp, tránh việc học một đằng, làm một nẻo, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.
Theo các chuyên gia, Một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng này là sinh viên trước khi ra trường nên mở rộng phạm vi tìm kiếm việc làm bên ngoài các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm có sự điều chỉnh thích hợp nhằm tiếp cận và hỗ trợ nhóm đối tượng trên. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần cung cấp kịp thời, đa dạng thông tin về thị trường lao động để họ có thể dễ dàng tiếp cận, có biện pháp bảo vệ người lao động, yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm quy định luật pháp về lao động, đặc biệt luật pháp về lao động, tuyển dụng, trách nhiệm với người lao động.
Bà Trịnh Thu Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Quản lý chất lượng toàn diện TQM:
Lãng phí nguồn nhân lực
Có một thực trạng là nhiều sinh viên mới ra trường đánh giá sai về năng lực của mình hay nói đúng hơn là "ảo tưởng" về bản thân. Họ nghĩ mình đã học tới trình độ đại học, thạc sĩ thì phải có được công việc với mức lương cao, môi trường làm việc thuận lợi, vị trí xứng đáng. Song trên thực tế, không ít người chỉ giỏi về lý thuyết, kỹ năng thực hành kém nên khi vào làm một công việc cụ thể họ tỏ ra lúng túng, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, nhà tuyển dụng buộc phải trả họ mức lương thấp hơn so với họ mong muốn nên NLĐ tỏ ra bất mãn, chán nản, chỉ sau một thời gian ngắn đã tự nguyện nghỉ việc.
Một số người khác sau khi tốt nghiệp lại không đi làm ngay để lấy kinh nghiệm mà nằm nhà chờ thời, tìm kiếm một cơ hội tốt hơn... Điều này khiến lượng kiến thức họ đã có được trong trường đại học bị rơi rụng, mai một dần. Ngoài ra, có những người tự nguyện thất nghiệp theo thời vụ. Họ đi làm một thời gian, khi có một khoản tiền nhất định thì nghỉ vài tháng để hưởng thụ cuộc sống, sau đó lại tiếp tục đi tìm việc làm. Tình trạng trên đã gây lãng phí nguồn nhân lực và chi phí đào tạo không nhỏ.
Huệ Linh ghi
Bình luận (0)