Đến hết tháng 7-2021, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 52 đơn vị, tương ứng gần 4.000 lao động tại 13 tỉnh, thành phố tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Đơn giản thủ tục
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho biết đến giữa tháng 7-2021, BHXH thành phố đã hoàn thành thủ tục và thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp (DN) số tiền tạm tính hỗ trợ giảm mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022) cho 87.472 đơn vị, tương ứng 1.439.694 lao động với tổng số tiền hơn 643 tỉ đồng. BHXH thành phố cũng đã ban hành quyết định dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 4 đơn vị, với 17 lao động và số tiền hơn 290 triệu đồng; xác nhận danh sách cho 4.854 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc.
Dự kiến đến hết năm 2021, toàn TP Hà Nội sẽ có khoảng 7.677 đơn vị với 55.758 lao động đủ điều kiện giảm đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với số tiền ước giảm 83 tỉ đồng; chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) ước khoảng 45.358 đơn vị, với gần 1,2 triệu lao động. Lãnh đạo BHXH TP Hà Nội cho biết khi thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, toàn bộ quyền lợi của NLĐ trong chính sách này vẫn được bảo đảm.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết đến nay, ngành BHXH đã hoàn thành việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và gửi thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022 khoảng 4.322 tỉ đồng. Cùng với đó, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 52 đơn vị, tương ứng 3.937 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 31,65 tỉ đồng tại 13 tỉnh, thành (Hà Nội, TP HCM, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Dương, Hải Phòng, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Tiền Giang, Trà Vinh).
Đây là lần thứ 2 DN được hỗ trợ tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020. Dù vậy, chính sách này có nhiều điểm mới. Theo đó, nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ -CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia BHXH là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết 68 là 6 tháng, dài hơn so với Nghị quyết 154/NQ-CP trước đây là 3 tháng.
Bên cạnh đó, thủ tục đơn giản hơn so với các trường hợp đề nghị tạm dừng đóng thông thường, thay vì phải qua 2 bước là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH thì nay chỉ phải gửi đến duy nhất địa chỉ là cơ quan BHXH. Đặc biệt, thời gian giải quyết giảm từ 25 ngày (đối với các trường hợp thông thường) còn 5 ngày. Hồ sơ đơn giản hóa rất nhiều so với các đợt dịch trước, từ 3 thành phần hồ sơ còn 1 thành phần hồ sơ; hệ thống mẫu biểu cũng đơn giản, thuận tiện hơn (giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai).
Linh hoạt chi trả chế độ
Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ, DN khó khăn do dịch Covid-19, công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT liên quan đến dịch Covid-19 cũng được đặc biệt quan tâm.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, BHXH TP Hà Nội đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế về thanh toán chi phí KCB, xét nghiệm Covid-19; phối hợp Sở Y tế giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh; đã cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số cho 3.522.913 người, tạo thuận cho người tham gia khi đi KCB BHYT...
Tuy nhiên, theo ông Hòa, trong quá trình triển khai, BHXH thành phố cũng gặp một số khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19. Do đó, BHXH TP Hà Nội đề nghị cần có hướng dẫn về việc xác định chi phí KCB điều trị Covid-19 với các trường hợp cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận hơn trong quá trình triển khai công tác KCB.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc có liên quan cần nghiên cứu, đưa ra những giải pháp tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời nhằm đáp ứng giải quyết những vấn đề mới, phát sinh, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Cụ thể, BHXH TP Hà Nội cần có phương án linh hoạt trong chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt trong những vùng giãn cách, phong tỏa, có thể qua tài khoản ngân hàng hay các tổ Covid-19 như mô hình của một số địa phương. Cùng với đó, khẩn trương phối hợp, tạo điều kiện để người bệnh trong khu cách ly, giãn cách khi có nhu cầu được đi KCB ở bất cứ cơ sở nào, không phân biệt nơi đăng ký KCB ban đầu, miễn người dân thấy thuận tiện nhất.
Hơn 100.000 lao động hưởng chính sách hỗ trợ
Theo BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã xác nhận danh sách tham gia BHXH bắt buộc, BHTN cho 107.404 lao động của 8.518 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 44 tỉnh, thành phố. Trong số này có 83.778 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 1.736 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 2.851 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 13.938 NLĐ được người sử dụng lao động (NSDLĐ) đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động). Ngoài ra, 5.148 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Bình luận (0)