Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu khôi phục sản xuất. Đây chính là lúc các cấp Công đoàn thủ đô tiếp tục đồng hành với DN trong công tác phòng chống dịch, chăm lo và hỗ trợ người lao động (NLĐ).
Tạo động lực cho người lao động
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27-4) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Công ty TNHH Canon Việt Nam, khi công ty có 19 trường hợp F0, nhà máy phải tạm dừng hoạt động, sản xuất bị gián đoạn. Doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng không nhỏ. Hàng ngàn công nhân (CN) bị thiếu việc làm, giảm thu nhập do thực hiện cách ly, giãn cách... Dù gặp khó khăn như vậy nhưng với sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, nhất là sự đồng lòng của toàn thể lao động trong hoạt động phòng chống dịch, DN đã ổn định và khôi phục hoạt động sản xuất.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam Minoru Niimura cho biết đến thời điểm này, tại nhà máy ở KCN Thăng Long (huyện Đông Anh), đã có khoảng 7.800 lao động làm việc. Nhằm phục hồi sản xuất trong trong trạng thái "bình thường mới", dù doanh thu và lợi nhuận sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì đầy đủ phúc lợi và có những hình thức khen thưởng, khuyến khích nhằm tạo động lực cống hiến cho NLĐ. Ngoài ra, công ty cũng tuyển dụng thêm CN để tăng cường sản xuất, bù lại sản lượng đã thiếu hụt trong thời gian qua. Để kịp thời động viên DN và NLĐ vượt qua khó khăn, mới đây, lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội đã đến thăm hỏi và trao 150 triệu đồng hỗ trợ 300 đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (đã từng là F0, F1...).
Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội tặng quà, động viên người lao động khó khăn tại Công ty TNHH Bình Yên
Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nên trong thời gian TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, 100% NLĐ tại Công ty TNHH Bình Yên (quận Thanh Xuân) đã phải nghỉ việc. Sau giãn cách, hiện công ty đã khôi phục sản xuất với 80% NLĐ trở lại làm việc. Ban chấp hành Công đoàn công ty cho biết đã phối hợp cùng ban giám đốc vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động thi đua lao động sản xuất, chăm lo, bảo vệ đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho NLĐ. Hiện thu nhập bình quân của NLĐ đạt mức 6-8 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, LĐLĐ TP Hà Nội đã trao 40 phần quà (500.000 đồng/phần) đến NLĐ khó khăn tại công ty. Đón nhận tình cảm của tổ chức Công đoàn, chị Nguyễn Thúy An xúc động nói: "Nghỉ việc suốt 2 tháng khiến thu nhập của tôi giảm sút, do vậy, sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn lúc này là nguồn động viên tinh thần to lớn".
Đưa gói an sinh đến đoàn viên
Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, trong trạng thái "bình thường mới", bên cạnh những DN cố gắng tìm kiếm nguồn hàng, duy trì việc làm cho NLĐ, hiện vẫn còn nhiều đơn vị gặp khó về nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, không xuất được hàng, giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, cho CN nghỉ phép năm luân phiên hoặc chuyển chế độ làm việc 3-5 ngày/tuần...
Chia sẻ cùng DN, LĐLĐ TP chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực, chủ động tham gia ổn định quan hệ lao động, thị trường lao động; tích cực hỗ trợ người sử dụng lao động phát triển sản xuất - kinh doanh, bảo đảm đời sống, việc làm của NLĐ; tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Mới đây, LĐLĐ TP đã triển khai "Gói hỗ trợ 20.000 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ổn định cuộc sống, trở lại sản xuất - kinh doanh". Mức hỗ trợ 500.000 đồng/người.
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội, cho biết đơn vị cũng đã khẩn trương triển khai hỗ trợ 10.000 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền 5 tỉ đồng. Công đoàn các KCN-KCX cũng chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động để tuyên truyền, vận động NLĐ khắc phục khó khăn trong đời sống, trở lại làm việc bình thường; vượt khó, sáng tạo, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.
"Qua tuyên truyền, vận động, NLĐ an tâm và sẵn sàng quay trở lại làm việc. Đến nay hầu hết DN trong KCN-KCX Hà Nội đã trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường" - ông Toản cho biết.
Đào tạo lại tay nghề cho NLĐ
Ông Phạm Anh Minh, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, cho biết ngay khi DN khôi phục sản xuất - kinh doanh, căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động của các DN, Công đoàn ngành đã vận động các đơn vị trao đổi, hỗ trợ lực lượng lao động với nhau để đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh. Công đoàn ngành cũng lưu ý các Công đoàn cơ sở rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của NLĐ để hỗ trợ, nhất là trong công tác đào tạo lại nghề, để giúp NLĐ có thể đảm nhiệm được công việc khi quay trở lại làm việc.
Bình luận (0)