xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chăm lo tốt hơn cho công nhân - lao động

VĂN DUẨN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng muốn không đứt gãy thị trường lao động, cần phải bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao lợi ích chính đáng về vật chất, tinh thần cho công nhân - lao động

Chiều 16-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tham dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và nhiều lãnh đạo bộ, ngành.

Chi 5.500 tỉ đồng chăm lo người lao động

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã báo cáo kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam 9 tháng đầu năm và trọng tâm phối hợp năm 2022.

Theo người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam, dịch Covid-19 với biến chủng mới Delta lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, kéo dài, nhất là đợt dịch bệnh lần thứ 4 (từ ngày 27-4-2021) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, việc làm, sinh kế, đời sống một bộ phận người dân, đặc biệt là người lao động (NLĐ), nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát. Hơn 2,2 triệu NLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, có 571 trẻ em là con đoàn viên Công đoàn mồ côi do dịch Covid-19. Trong bối cảnh ấy, tổ chức Công đoàn đã ban hành và triển khai các gói hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho công nhân - lao động (CN-LĐ) tại các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"; tặng sổ tiết kiệm Công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19. Các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền khoảng 5.500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trong dịp Tết nguyên đán, các cấp Công đoàn đã chăm lo cho trên 4,9 triệu đoàn viên, NLĐ với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ, tổ chức các hoạt động chăm lo khoảng 6.636 tỉ đồng từ nguồn tài chính Công đoàn và xã hội hóa.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng ban hành kế hoạch phát động thi đua. Đã có 5.934 công trình, sản phẩm thi đua được công nhận với giá trị làm lợi trên 80.000 tỉ đồng. Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Tổ chức phong trào thi đua "CNVC-LĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19"; chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống đại dịch Covid-19 góp phần sớm kiểm soát và chiến thắng đại dịch, thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép".

Chăm lo tốt hơn cho công nhân - lao động - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Nhiều kiến nghị về an sinh

Tại hội nghị, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị nhiều vấn đề nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội của NLĐ. Một trong những kiến nghị quan trọng được nêu ra là vấn đề nhà ở và thiết chế Công đoàn cho CN-LĐ.

Ông Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc việc đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các KCN-KCX theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 của Thủ tướng; sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020. Cụ thể, dự án thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai xây dựng từ năm 2018, hoàn thành năm 2020 từ nguồn vốn tài chính của Tổng LĐLĐ theo cơ chế, chính sách của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác thi công, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng 5 block nhà ở với 244 căn hộ, 1 nhà đa năng, sân thể thao ngoài trời và hạ tầng kỹ thuật dự án. Tuy nhiên, hiện nay không thể bán, cho thuê căn hộ theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cho đoàn viên, CN-LĐ do vướng mắc một số quy định của pháp luật như: Tổng LĐLĐ Việt Nam không thuộc đối tượng bán, cho thuê căn hộ quy định tại điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản 2014; không thuộc đối tượng được giao đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở nhằm mục đích bán hoặc cho thuê theo điều 55 Luật Đất đai năm 2013; không thuộc các hình thức phát triển nhà ở xã hội theo điều 55 Luật Nhà ở năm 2014 dẫn đến chưa ký hợp đồng với đoàn viên, CN-LĐ thuê nhà ở đáp ứng mục tiêu của đề án. Do đó, trong thời gian chờ điều chỉnh Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được quản lý, sử dụng 5 block nhà ở thuộc dự án thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II theo dạng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước quy định tại mục 3 chương V Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho Tổng LĐLĐ Việt Nam được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho CN thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu. Trước mắt, cho phép được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho CN tại các địa phương có lượng CN đông như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội. Cùng với đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí gói cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho CN thuê và CN vay vốn để mua, thuê nhà ở.

Khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả phối hợp cũng như các chính sách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; hỗ trợ, chăm lo đoàn viên, NLĐ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện thời gian qua. "Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của tổ chức Công đoàn và CN-LĐ trong phòng chống dịch và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu những khó khăn, mất mát, hy sinh mà giai cấp CN, các cấp Công đoàn và đoàn viên, NLĐ đã và đang gặp phải" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cần khẳng định nhiều hoạt động thiết thực, sáng kiến, cách làm hay của tổ chức Công đoàn phối hợp với Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng như ban hành nhiều chính sách an sinh hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Phải ghi nhận những cán bộ Công đoàn ngày đêm, bất chấp hiểm nguy ở tuyến đầu chống dịch để chăm lo cho NLĐ, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Qua khó khăn, thách thức như vậy càng khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Thủ tướng khẳng định chúng ta phải song hành việc chống dịch và khôi phục sản xuất. Đi vào vấn đề cụ thể, Thủ tướng cho biết cần chống đứt gãy thị trường lao động. Muốn vậy phải bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội cho NLĐ; nâng cao lợi ích chính đáng về vật chất, tinh thần cho CN-LĐ; nâng cao tay nghề, phát triển sản xuất - kinh doanh để tạo công ăn việc làm. Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các cấp Công đoàn cần tiếp tục phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất để phát triển kinh tế; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sản xuất. Cùng với đó, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh trong tình hình mới. 

Bố trí quỹ đất xây nhà ở, phủ vắc-xin trong công nhân

Về vấn đề nhà ở, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho CN-LĐ; hợp tác công - tư để giải quyết vấn đề nguồn lực; có cơ chế để các địa phương, doanh nghiệp tham gia; bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn... Về vắc-xin cho CN, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang rất nỗ lực, phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ bao phủ vắc-xin cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có CN-LĐ.

Bảo đảm quyền lợi lao động thất nghiệp

Tại hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như điều 46 Luật Việc làm quy định: "Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập" để được giải quyết hưởng TCTN. Tuy nhiên, trong thời gian các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại của người dân bị hạn chế nên NLĐ không kịp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, do đó họ chưa được giải quyết hưởng TCTN trong khi đời sống đang vô cùng khó khăn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo