"Bây giờ, con nào có thể cắm giúp cô hoa đỏ vào chậu đỏ, hoa vàng vào chậu vàng?". "Đúng rồi, con giỏi quá!"… Đó là việc làm hết sức đơn giản đối với trẻ bình thường nhưng lại là kỳ tích với các em ở Trường Chuyên biệt Tương Lai (quận 5, TP HCM). Đây là đơn vị điển hình trong phong trào học tập và làm theo gương Bác vừa được LĐLĐ quận 5 tuyên dương.
Rơi nước mắt khi trẻ tiến bộ
Trường Chuyên biệt Tương Lai được thành lập năm 1988 với chức năng, nhiệm vụ là giáo dục văn hóa, hướng nghiệp dạy nghề cho trẻ khuyết tật rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm tập trung chú ý, bại não và chậm phát triển trí tuệ. Hơn 31 năm qua, với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên (GV) qua các thời kỳ, trường đã từng bước phát triển, là chỗ dựa tin cậy của phụ huynh và học sinh.
Cô Bạch Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với phương châm "Tật mà không tàn", trường hoạt động không đơn thuần là chăm lo phục hồi chức năng mà còn dạy văn hóa và rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho bản thân và giúp đỡ gia đình theo khả năng của các em. Nhà trường đã tạo được niềm tin của các bậc phụ huynh khi gửi con em đến trường, phần nào xóa đi những mặc cảm khuyết tật của các em.
Không chỉ dạy, trường còn trị liệu vận động cho học sinh, phối hợp với các cơ quan y tế trong việc phát hiện và tư vấn những biện pháp can thiệp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, biểu hiện tự kỷ. Học sinh khuyết tật trí tuệ không chỉ sử dụng đồ dùng dạy học, đồ chơi có sẵn mà cần được tiếp cận thêm đồ dùng dạy học và đồ chơi do GV sáng tạo. Đồ dùng dạy học kích thích khả năng nhận thức của trẻ khuyết tật và là điều kiện tiên quyết để trẻ tham gia các hoạt động học tập. Khi sử dụng bộ đồ chơi, các tiết dạy sinh động thu hút sự chú ý của trẻ, từ đó nâng cao hiệu quả bài giảng.
Các giáo viên Trường Chuyên biệt Tương Lai (quận 5, TP HCM) kiên trì, nhẫn nại với từng học sinh
Trước yêu cầu này, cô Đặng Thị Tuyết Nhung, GV lớp mẫu giáo của trường, đã thực hiện đề tài "Một số trò chơi phát triển xúc giác cho trẻ chậm phát triển trí tuệ". Đề tài này có ý nghĩa rất quan trọng đối với trẻ bởi đó là cơ hội để các em được trải nghiệm xúc giác qua trò chơi, biết phân biệt và so sánh các vật liệu khi được chạm vào, đồng thời kích thích trẻ nói nhiều hơn. Thời gian đầu, một số trẻ có cảm giác sợ và không hợp tác, đến nay các em rất hứng thú. Sáng kiến của cô Nhung đã được tập thể GV đánh giá cao bởi giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Không chỉ giúp trẻ mạnh dạn, hòa nhập với cuộc sống, trường còn tổ chức các chương trình ngoại khóa như dã ngoại, đi chơi công viên nước, siêu thị, nông trại xanh… Nhiều GV đã rơi nước mắt khi thấy các em tiến bộ hay tự phục vụ được cho bản thân.
Yêu nghề, mến trẻ
Chỉ có 14 người nhưng phụ trách 130 trẻ là điều quá sức đối với các GV của trường. Cô Hằng cho hay: "Công việc của GV nơi đây rất vất vả. Hôm nào các bé chịu ngồi học ngoan, chịu hợp tác là tốt. Hôm nào trẻ có vấn đề thì không chỉ GV mà ban giám hiệu và bảo vệ cũng phải hỗ trợ".
Cô Hằng cho biết hằng ngày tất cả các cô phải có mặt từ 6 giờ 30 phút để chuẩn bị đón trẻ rồi vệ sinh, dạy học, ăn trưa… Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất cần sự kiên nhẫn của GV. Nhiều trẻ đã 12-13 tuổi nhưng trí tuệ còn thua trẻ lên 5, thậm chí không thể tự vệ sinh được, cô giáo phải giúp. Một ngày làm việc mệt nhọc của các cô kết thúc lúc 17 giờ nhưng nếu phụ huynh đến đón con trễ, các cô cũng phải chờ và chỉ ra về khi tất cả các em đã về nhà. Không chỉ nhẫn nại, GV của trường phải có "thần kinh thép" mới trụ được với nghề vì nhiều lúc trẻ không thể kiểm soát được hành vi của mình. Khi trời nóng, nhiều em lên cơn lao vào cắn, đánh cô giáo.
Cô Mai Thị Thắm, người có 11 năm gắn bó với trường, cho biết đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, tưởng chừng phải bỏ nghề. Thế nhưng, nhìn vẻ mặt ngây thơ, hiền lành của các em, cô lại tự động viên mình cố gắng trụ lại với nghề. "Công việc vất vả, dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật, bệnh Down, chậm phát triển… vất vả gấp 2, thậm chí gấp 3 so với dạy các trẻ bình thường. Có những trẻ khuyết tật về trí tuệ thì càng lớn, sự hiểu biết, khả năng tiếp thu càng giảm, học càng kém. Nếu không yêu nghề, mến trẻ, chúng tôi đã bỏ cuộc" - cô Thắm bộc bạch.
Không chỉ dạy chữ, các cô còn cố gắng dạy các em những kỹ năng sống như bưng bê, tính tiền đơn giản… để các em có thể đi học nghề hoặc phụ giúp việc buôn bán của gia đình sau khi tròn 18 tuổi.
Bình luận (0)