Những ngày cao điểm của dịch Covid-19, ông Lê Huân Phong - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 5, TP HCM - liên tục nghe điện thoại rồi ngược xuôi cung cấp từng bình ôxy và gói thực phẩm cho người dân ở các khu vực bị cách ly, phong tỏa trên địa bàn quận. Ông Phong là một trong 128 tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa được LĐLĐ quận 5 tuyên dương.
Hết lòng vì công việc
Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, việc đi lại của người dân, nhất là người nhiễm, hết sức khó khăn do quy định về giãn cách xã hội. Thấu hiểu lo lắng của người dân, bất chấp rủi ro, cán bộ Hội Chữ thập đỏ quận lặn lội đến từng nhà thăm khám và phát thuốc điều trị. Với những trường hợp khó thở, hội cung cấp bình ôxy miễn phí. Còn với những trường hợp quá nặng, hội huy động xe của doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn để đưa đến bệnh viện.
Áp lực công việc khá cao trong khi nhân lực có hạn nên ông Phong và một số anh em quyết định chọn phương án "3 tại chỗ" tại cơ quan. Gần 3 tháng, 7 nhân viên của hội và 40 tình nguyện viên là các y - bác sĩ của các bệnh viện tư nhân, tài xế, thanh niên tình nguyện... gần như làm việc hết công suất để chăm lo, hỗ trợ người bệnh. "Dù phải đối diện với các ca F0 hằng ngày nhưng chúng tôi không cảm thấy lo lắng, trái lại còn động viên nhau cố gắng hết sức mình để hỗ trợ bà con. Mỗi lần nghe bà con khỏi bệnh là anh em rất vui" - ông Phong bộc bạch.
Ông Lê Huân Phong - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 5, TP HCM (thứ 3 từ trái sang) - cùng các thành viên đội cấp cứu lưu động
Không chỉ nghĩ ra cách để đưa thuốc điều trị đến người bệnh sớm nhất, Hội Chữ thập đỏ quận 5 còn phối hợp với Bim Group (OxyMap) tổ chức hỗ trợ bình ôxy miễn phí tại các trạm y tế lưu động của phường. Các bác sĩ của trạm y tế lưu động sử dụng mã QR để cập nhật, trao đổi thông tin, quản lý, đổi bình ôxy khi đã sử dụng hết, Bim Group (OxyMap) căn cứ vào phần mềm theo dõi để cung cấp bình ôxy mới một cách khoa học và kịp thời cho bệnh nhân. Trong thời gian giãn cách, ông Phong đã vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ 20 tấn gạo, rau củ quả cho người dân bị cách ly, phong tỏa. Suốt 5 năm qua, ông luôn miệt mài theo những chuyến từ thiện, vận động chăm lo cho người khó khăn, học bổng cho học sinh nghèo, quà cho các cụ già neo đơn, sửa chữa nhà cho hộ gia đình khó khăn, trao thẻ bảo hiểm cho người dân... với tổng số tiền gần 20 tỉ đồng. "Học Bác để phục vụ nhân dân tốt hơn" - ông Phong bày tỏ.
Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo
Thiết thực học tập và làm theo Bác, thời gian qua, Trung tâm Y tế quận 5 (TP HCM) tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân thông qua các phong trào: "Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"; "Cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh", "Chăm sóc tiếp sức người bệnh"...
Bác sĩ Hồng Kim Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Y tế quận 5, cho hay đơn vị học Bác ở việc gắn với tổ chức tốt phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", phát huy sáng kiến.
Hướng đến mục tiêu chăm sóc tốt hơn cho người bệnh, 5 năm qua, đội ngũ lao động của trung tâm đã thực hiện 12 sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó, nổi bật là công trình "Chế tạo máy rửa tay và máy đo thân nhiệt tự động" của ông Hồ Minh Thức, nhân viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Vật tư thiết bị y tế của trung tâm. Nói về ý tưởng sáng tạo này, ông Thức cho hay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu nghiêm ngặt về công tác phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và bệnh nhân đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc dùng chai nước sát khuẩn cũng chưa chắc chắn bảo đảm an toàn, có thể sẽ lây nhiễm chéo nếu có nguồn bệnh. Trong khi đó, máy rửa tay tự động ngoài thị trường có giá rất cao. Tận dụng vật tư có sẵn, ông Thức đã chế tạo thành công 13 chiếc máy rửa tay tự động với chi phí chưa tới 1 triệu đồng/chiếc. Sản phẩm được lắp đặt thử nghiệm tại các vị trí có nhu cầu rửa tay sát khuẩn cao như cổng ra vào, các khu khám bệnh, phát thuốc của bệnh viện. Máy hoạt động hoàn toàn tự động và lượng dung dịch sát khuẩn phun ra vừa đủ giúp mọi người an tâm hơn trong quá trình rửa tay sát khuẩn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Sản phẩm độc đáo của ông Thức nhận được phản hồi tích cực từ đồng nghiệp và bệnh nhân, góp phần quảng bá hình ảnh Bệnh viện quận 5. Sáng kiến này cũng giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí hơn 100 triệu đồng.
Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, tất cả đoàn viên và người lao động của trung tâm đều tích cực tham gia công tác phòng chống dịch như lấy mẫu, vận chuyển, quản lý, điều trị, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 từ cộng đồng cho đến các khu cách ly và bệnh viện dã chiến với tinh thần và nhiệt huyết cao nhất. "Tinh thần đoàn kết, vượt khó khăn của tập thể lao động bệnh viện đã góp phần vào việc khống chế dịch bệnh và chúng tôi tự hào về điều đó" - bà Hoàng bày tỏ.
Bình luận (0)