Hiện nay một số cơ sở đào tạo có uy tín trong ngành công nghệ ô tô đều có chung một điểm là SV ra trường hầu hết được doanh nghiệp tuyển dụng ngay. Đây có thể được xem là một hướng nghề nghiệp thiết thực và phù hợp với những HS có sức học trung bình. Đến với nghề công nghệ ô tô ngày nay, tại các xưởng, gara hiện đại, người ta không còn bắt gặp cảnh lấm lem dầu mỡ như trước kia. Thay vào đó là các công nhân kỹ thuật cao với quần áo bảo hộ chuyên nghiệp và sạch sẽ, sử dụng các thiết bị tân tiến phục vụ hiệu quả cho công việc sửa chữa động cơ.
Thực hành nghề công nghệ ô tô ở Trương CĐ cơ điện Hà Nội
Khảo sát cho thấy, các trường có đào tạo ngành công nghệ ô tô hiện thường xuyên tuyển sinh cho các khóa đào tạo nghề. Trình độ cao đẳng có thời gian đào tạo 36 tháng hệ cao đẳng và 24 tháng hệ trung cấp. Mức học phí lần lượt là 500.000 và 400.000 đồng/tháng. Đối tượng tuyển sinh trình độ Cao đẳng, HS tốt nghiệp THPT, bổ túc văn hóa hoặc tương đương. Tuyển sinh trình độ Trung cấp yêu cầu Tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT, THCS. Hình thức tuyển sinh là Xét tuyển học bạ. Người học được xác nhận là HS-SV của trường để hưởng các chế độ, chính sách đối với học hệ dài hạn, chính quy; được xét, cấp học bổng theo quy định của Nhà nước. HS-SV có nhu cầu, được bố trí ở nội trú trong KTX có phòng ngủ và công trình phụ khép kín, tất cả các KTX đều phát Wifi giúp HS-SV tra cứu tài liệu học tập và giải trí ... cùng các quyền lợi khác trong quá trình học tập. Với ngành công nghệ ô tô, một số cơ sở đào tạo có uy tín còn cam kết việc làm cho HS-SV sau tốt nghiệp.
Về quá trình đào tạo ngành công nghệ ô tô, thầy giáo Lê Đức Triệu, Trưởng khoa Động lực trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: "Tại trường, các HS-SV được đào tạo theo chương trình kết hợp giữa lý thuyết và thực hành một cách linh hoạt. Trong thời gian đầu, tại xưởng thực hành của nhà trường, các em được làm quen với các loại động cơ mới và hiện đại như Toyota, Mercedes, Ford, Hyundai".
Được đào tạo các môn học, mô đun kỹ thuật cơ sở, mô đun chuyên ngành; kỹ năng xử lý các lỗi thuộc động cơ và toàn bộ xe, thực hành sửa chữa những hư hỏng của động cơ và của xe ô tô. Quá trình học, các em sẽ được giới thiệu đến các hãng ô tô và các gara để tiếp cận thực hành sửa chữa trên các loại động cơ, gầm và điện, quá trình này nhà trường cũng đã lựa chọn được nhiều doanh nghiệp (DN) để ký kết liên kết đào tạo, một số HS-SV nhà trường đến thực tập tại DN còn được DN trả lương thực tập và bố trí ăn, ở. Ở năm cuối, các em được thực hành hoàn toàn trên ô tô được “đánh Pan”, sử dụng thiết bị đọc lỗi để dò tìm nguyên nhân hỏng hóc, cách xử lý các loại “Pan”,... Sự linh hoạt này đã cuốn hút các em học tập với niềm đam mê, và luôn cố gắng để đạt được trình độ tay nghề vững vàng ngay khi vừa tốt nghiệp, và được DN tín nhiệm. Đây cũng chính là lý do khiến các HS-SV mới tốt nghiệp khoa Động lực luôn được các DN chào đón về làm việc.
Thầy Dương Chí Thiện, Phó Trưởng Khoa Cơ khí động lực, Trường CĐ nghề Cần Thơ cho biết: Những năm trước đây, SV theo học ngành công nghệ ô tô còn rất ít, mỗi năm chỉ có khoảng 100 SV đăng ký học. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng đăng ký học tăng rất nhanh. Nhu cầu người học rất nhiều, trong năm nay, nhà trường đã tuyển sinh khoảng 20 lớp, số lượng đăng ký vượt hơn khá nhiều so với chỉ tiêu đào tạo. Tổng số HS-SV ngành công nghệ ô tô cả 3 khóa tại trường hiện có khoảng 2.500 em. Liên kết với DN trong tuyển dụng và xây dựng chương trình đào tạo, chuyên gia của DN và giáo viên nhà trường cùng tìm hiểu, xác định những yêu cầu về kỹ năng thực tế để đưa vào chương trình đào tạo. Đặc biệt chú trọng đào tạo tay nghề, chương trình được tích hợp lý thuyết và thực hành, thời gian học thực hành chiếm 70% và học lý thuyết là 30%. Bảo đảm giáo trình phù hợp với thực tế, SV ra trường đáp ứng được yêu cầu của DN.
Theo đại diện tuyển dụng của Trường Hải auto, hàng năm đơn vị vẫn kiên trì “đặt hàng” HS-SV khoa Động lực trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, chất lượng sinh viên ra trường là khá cao, đạt yêu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, về số lượng thì hầu như sinh viên ra trường đến đâu tuyển đến đấy, nhưng vẫn chưa đủ số lượng nhân lực mà DN cần.
Cũng theo thầy Lê Đức Triệu, khoa Động lực của Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội luôn có số HS-SV lên tới hơn 700 em, tại 3 cơ sở đào tạo của nhà trường, 2 cơ sở tại Hà Nội và 1 cơ sở tại Vĩnh Phúc. Khóa tốt nghiệp mới đây nhất của trường và tháng 9-2018, đã có gần 100 SV hệ cao đẳng và HS hệ trung cấp của nhà trường tốt nghiệp ra trường, hầu hết các em đều có việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 6,5 triệu đồng/tháng trở lên, có em còn cao hơn.
Bình luận (0)