Sáng 24-4, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 12 đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, với hình thức họp trực tuyến. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-4.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Khang cho biết tại hội nghị lần này, Đoàn chủ tịch sẽ cho ý kiến vào các nội dung: Tờ trình về dự thảo văn bản triển khai Quy định 212-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.
Tờ trình dự thảo Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan công đoàn (CĐ) ngành Trung ương và tương đương, CĐ Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc CĐ ngành Trung ương và tương đương.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu
Hội nghị cũng cho ý kiến Tờ trình báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 24-6-2014 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI về nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động CĐ trong tình hình mới.
Tờ trình dự thảo Quy chế thống nhất hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam (thay thế Quyết định số 1395/QĐ-TLĐ ngày 8-10-2015).
Tờ trình Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2020 - 2025”.
Tờ trình Hướng dẫn, bổ sung thực hiện “Tháng công nhân năm 2020”; Tờ trình về việc báo cáo đánh giá tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; Công tác cán bộ.
Tờ trình Dự thảo văn bản triển khai Quy định số 212-QĐ/TW, Thường trực Đoàn Chủ tịch trình mô hình tổ chức, tên gọi của các ban cơ quan liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố theo 5 mô hình (từ 3 ban đến 7 ban), cụ thể như sau:
Mô hình 7 ban gồm: Văn phòng; Ban Tài chính; Ban Nữ công; Ban Tuyên giáo; Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động (QHLĐ) (đổi tên Ban Chính sách Pháp luật thành Ban Chính sách pháp luật và QHLĐ); Ban Tổ chức; Văn phòng Ủy ban kiểm tra.
Mô hình 6 ban gồm: Văn phòng; Ban Tài chính; Ban Tuyên giáo - Nữ công (hợp nhất ban Tuyên giáo và ban Nữ công); Ban Chính sách Pháp luật và QHLĐ; Ban Tổ chức; Văn phòng Ủy ban kiểm tra.
Mô hình 5 ban gồm: Văn phòng; Ban Tài chính; Ban Tuyên giáo - Nữ công (hợp nhất ban Tuyên giáo và ban Nữ công); Ban Chính sách Pháp luật và QHLĐ; Ban Tổ chức - Kiểm tra (hợp nhất Ban Tổ chức và Văn phòng Ủy ban kiểm tra (UBKT)).
Mô hình 4 ban gồm: Văn phòng (hợp nhất Văn phòng và Ban Tài chính); Ban Tuyên giáo - Nữ công (hợp nhất ban Tuyên giáo và ban Nữ công); Ban Chính sách Pháp luật và QHLĐ; Ban Tổ chức - Kiểm tra (hợp nhất Ban Tổ chức và Văn phòng UBKT).
Mô hình 3 ban gồm: Văn phòng (hợp nhất Văn phòng và Ban Tài chính); Ban Nghiệp vụ (hợp nhất ban Tuyên giáo, ban Nữ công và Ban Chính sách Pháp luật); Ban Tổ chức - Kiểm tra (hợp nhất Ban Tổ chức và Văn phòng UBKT).
Chức năng nhiệm vụ của các ban theo nguyên tắc kế thừa chức năng nhiệm vụ của các ban cũ, ban thường vụ liên đoàn lao động tỉnh, thành phố quy định chức năng nhiệm vụ của các ban tham mưu, giúp việc chuyên trách.
Theo Thường trực Đoàn Chủ tịch, mục đích việc xây dựng mô hình để triển khai thực hiện Quy định số 212-QĐ/TW nhằm định hướng mô hình tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ các ban của cơ quan LĐLĐ cấp tỉnh; thống nhất tên gọi các ban chuyên trách, tham mưu giúp việc cấp tỉnh, làm cơ sở để các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan LĐLĐ tỉnh, công đoàn ngành trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Bình luận (0)