Trong bối cảnh nhiều người bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trở thành điểm tựa cho người lao động (NLĐ) khi không có việc làm.
Gần 13 tỉ đồng hỗ trợ lao động mất việc
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN); hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Số lao động làm trong các DN thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, nghỉ việc không lương, thậm chí nhiều DN phá sản khiến NLĐ mất việc. NLĐ thất nghiệp cũng kéo theo số người đến nộp hồ sơ để hưởng BHTN thời gian qua tăng nhanh. Đến tháng 10-2020, số đối tượng tham gia BHXH, BHTN cũng giảm hơn 500.000 người so với cuối năm 2019.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết chính sách BHTN là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động và cũng là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm, trong đó việc tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, duy trì việc làm cho NLĐ là yếu tố quan trọng tạo sinh kế cho NLĐ.
Người lao động mất việc tại tỉnh Bình Dương làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp Ảnh: TÂM AN
"Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng TCTN ngắn, số chi các chế độ BHTN so với số thu quỹ BHTN trong những năm đầu chỉ dưới 30%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỉ lệ hưởng TCTN bắt đầu gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỉ lệ này là 70%. Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm, 2020 tỉ lệ này là khoảng 90%" - ông Thọ nói.
Theo thống kê, trong 10 tháng 2020, cả nước đã có 881.895 người hưởng TCTN với số tiền 12.988 tỉ đồng, tăng 7.264 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019 (tương đương 26,9%); số chi hỗ trợ học nghề trên 33 tỉ đồng. Mức hưởng TCTN bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Chỗ dựa của người lao động
Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia (tăng 11,8% so với năm 2014). Tính đến tháng 10-2020, toàn quốc có 13,03 triệu người tham gia BHTN. Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, con số này còn thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi ở nước ta, do đó cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng diện bao phủ, để BHTN có thể hỗ trợ được thêm nhiều NLĐ hơn nữa.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê từng đưa ra con số 31,8 triệu người bị ảnh hưởng việc làm từ đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Đó là những người cần đến sự hỗ trợ của chính sách BHTN. Đơn cử, ngành du lịch đang chịu sự tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, ước tính du lịch Việt Nam thất thu tới 23 tỉ USD, ảnh hưởng đến việc làm của khoảng 870.000 lao động. "Tuy nhiên, lao động trong lĩnh vực này, hiện chủ yếu theo hình thức hợp đồng đại lý, không thuộc đối tượng tham gia BHTN nên không đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ từ chính sách. Đó là khoảng trống cần được lấp đầy trong tương lai của chính sách BHTN, nhất là với những ngành nghề NLĐ dễ bị tổn thương do dịch bệnh, thiên tai" - ông Thọ dẫn chứng.
Theo đánh giá tại Báo cáo thẩm tra việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHTN hằng năm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số phát sinh tăng quỹ BHTN trong các năm đều tăng lên. Cụ thể, năm 2017, kết dư Quỹ BHTN là 67.320 tỉ đồng, tăng 9.038 tỉ đồng so với năm 2016; năm 2018 là 79.073 tỉ đồng; năm 2019 là 84.000 tỉ đồng và năm 2020, quỹ BHTN vẫn bảo đảm an toàn. Đến năm 2021, dự kiến số chi BHTN sẽ tiếp tục tăng hơn năm 2020.
Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19, BHTN đã trở thành chỗ dựa của hàng triệu NLĐ khi giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Mặt khác, BHTN cũng giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ảnh hưởng của dịch, DN cũng bị ách tắc, sản xuất đình đốn, xuất nhập khẩu hàng hóa không giao thương được. Trong bối cảnh này, BHTN là loại bảo hiểm ngắn hạn, có vai trò như "bà đỡ" của nhà nước, giúp NLĐ khi không có việc làm được nhận những hỗ trợ.
"Nhưng cũng không nên nghĩ nhận TCTN để sử dụng trang trải cuộc sống, mà phải nghĩ đến đào tạo để đủ khả năng, trình độ chuyển đổi sang lĩnh vực, DN khác làm việc. Do vậy, trong thời nghỉ 1-2 tháng hưởng BHTN, NLĐ có thể đi học nghề, nâng cao trình độ để tìm được việc làm bền vững" - ông Bùi Sỹ Lợi nói. Cũng theo ông Lợi, số NLĐ bước vào thị trường lao động có thể vẫn tăng nhưng một bộ phận lao động ở các DN đang gặp khó khăn vẫn cần hưởng BHTN. Từ đó, các cơ quan chuyên trách phải tư vấn cho NLĐ hiểu sâu về chính sách này.
4 chế độ hỗ trợ người lao động
Đối với những người đã mất việc làm, chính sách BHTN hỗ trợ đối với những đối tượng này theo điều 42 Luật Việc làm, trong đó có 4 chế độ hỗ trợ NLĐ gồm: TCTN; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Trong đó, NLĐ mất việc được giới thiệu việc làm miễn phí, từ đó chọn được những việc làm tốt, không phải mất phí giới thiệu.
Bình luận (0)