Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), khoảng 2/3 lực lượng lao động Việt Nam hiện nay không thuộc diện bao phủ của lưới an sinh xã hội (ASXH), tập trung nhiều ở vùng nông thôn. Trong đó, một lượng lớn là người trẻ tuổi và trên 60 tuổi với trình độ thấp, kỹ năng thiếu, làm các công việc giản đơn. Đây là lực lượng lao động dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế - xã hội hoặc dịch bệnh.
Với thực trạng này, Bộ LĐ-TB-XH đã đẩy mạnh chương trình việc làm thỏa đáng là hướng đến xã hội phát triển bền vững. Thực hiện chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng được ILO phát động với 4 trụ cột chính gồm: tạo việc làm, ASXH, thúc đẩy quyền của người lao động (NLĐ) và đối thoại xã hội.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng việc làm thỏa đáng không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn mà còn hướng tới mục tiêu tốt hơn. Ở đó, NLĐ được làm việc trong điều kiện lao động tốt, an toàn, bảo đảm ASXH, có năng suất, thu nhập cao và cân bằng các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.
Việc làm thỏa đáng hướng tới mục tiêu tạo ra việc làm tốt hơn cho người lao động
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết khung chương trình mới đưa ra khuôn khổ hợp tác giữa ILO và các đối tác tại Việt Nam cho tới năm 2026 với mục tiêu hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người. Cụ thể, đến năm 2026, người dân Việt Nam, nhất là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau sẽ đóng góp và thụ hưởng công bằng từ quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, họ được thụ hưởng từ các dịch vụ và hệ thống ASXH toàn diện, có trách nhiệm giới, công bằng, chi phí hợp lý và tăng quyền để giúp NLĐ phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng để đẩy mạnh việc làm thỏa đáng, đầu tiên phải chú trọng đổi mới, sáng tạo, làm chủ kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh. Tiếp đến cần ưu tiên phát triển các dịch vụ xã hội và hệ thống ASXH, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều.
Tiếp theo là ưu tiên xây dựng một xã hội công bằng, an toàn dựa trên nền tảng quản trị công được cải thiện, các thể chế phản hồi nhanh hơn; tăng cường pháp quyền, bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bình luận (0)