Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Liên quan đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập của Luật BHXH, tập trung vào các vấn đề tuổi nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu. Một bạn đọc giấu tên Hùng thắc mắc: "Để giải bài toán rút BHXH một lần, Bộ LĐ-TB-XH nên tự hỏi tại sao từ lúc sửa luật BHXH 2016 đến giờ người rút BHXH một lần liên tục tăng? Là vì tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng, tính bình quân toàn thời gian... Chỉ cần sửa lại luật tuổi nghỉ hưu như trước đây 55 nữ, 60 nam đóng đủ 25 năm nữ, 30 năm nam. Hoặc chí ít nam nghỉ hưu 62, nữ 60 nhưng nếu đã đóng đủ 30 năm nữ, 35 năm nam là được có quyền tự động nghỉ hưu, hưởng đủ 75% mà không kèm bất cứ điều kiện gì thì câu chuyện rút BHXH một lần sẽ giảm ngay". Bạn đọc Hạnh Phan góp ý: "Luật BHXH sao bất cập quá. Người lao động 40 - 45 tuổi DN muốn cho nghỉ, rồi vậy mà BHXH lại tạo điều kiện cho người 45 - 47 tuổi tham gia BHXH muộn, tuổi nay ai nhận vào làm nữa đâu mà tham gia BHXH?"
Theo nhiều bạn đọc, tình trạng người sử dụng lao động tìm cách cho lao động lớn tuổi nghỉ việc không phải là hiếm. Mất việc làm sẽ khiến họ không thể tiếp tục tham gia BHXH để chờ hưu. Bạn đọc Văn Quốc bày tỏ: "Người lao động ở tuổi 40 trở đi là doanh nghiệp bắt đầu thay đổi việc làm của họ rồi hay nói thẳng ra là tuyển người trẻ hơn để làm. Nếu doanh nghiệp sa thải, họ sẽ phải đợi tới bao giờ để nhận được lương hưu? Chắn chắn họ sẽ lãnh 1 lần để trang trải cho cuộc sống.Vậy sao không theo nguyên tắc cứ đóng nhiều thì được hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít? Cứ đóng đủ 20 năm là được hưởng lương hưu dù là ít ỏi". Một bạn đọc tên Huy nói: "Tôi không thấy công nhân nào ở độ tuổi 55 - 60 mà doanh nghiệp họ còn thuê và sử dụng cả. 40 đến 45 tuổi là bị sa thải rồi thì chờ bao giờ cho đến 62 tuổi mà hưởng lương gần 10 năm đó sống bằng cái gì mà chẳng rút 1 lần".
Một bạn đọc Nguyễn Hồng Vân, nhận xét: "Tuổi nghỉ hưu áp dụng nữ 60 nam 62 chỉ phù hợp với các vị trí công chức văn phòng khi có vị trí thôi, bởi những vị trí này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều vì làm trong điều kiện tốt nhất và thu nhập tốt. Còn người lao động trực tiếp thì sức khỏe mau giảm sút trong khi thu nhập bèo bọt, chưa kể mức đóng BHXH ở các công ty rất thấp nên khi về hưu hưởng mức lương hưu thấp". Cùng góc nhìn, bạn đọc Trần Trọng góp ý: "Không thể áp đặt người lao động trực tiếp và bộ phận hành chính được. Nếu ai đã đóng đủ 30 liên tục trở lên, thì cho họ có quyền làm hay nghỉ hưu".
Một bạn đọc tên Minh đề xuất: "Chính xác và thuyết phục nhất là BHXH thiết kế lại mức đóng, hưởng theo hướng đủ 20 hoặc 25 năm đóng BHXH là được lĩnh lương hưu, mức hưởng và thời gian hưởng sao cho phù hợp với mức đóng và điều kiện sống. Ai đóng nhiều hưởng nhiều, hưởng lâu. Tuổi lao động đến 60 hay 62 chỉ làm căn cứ để bắt buộc người lao động trong độ tuổi này phải đóng BHXH. Nếu không bảo đảm được điều kiện lao động, không bảo đảm được việc làm đến tuổi 60 hay 62 thì tại sao lại quy định đến tuổi đó mới được nghỉ hưu, hết sức vô lý".
Còn bạn đọc tên Trường hiến kế: "Để tránh gánh nặng cho xã hội các nhà làm luật nên thống nhất về thời gian nghỉ hưu không áp đặt số năm công tác cố định mà nếu người lao động đóng đuoc bao nhiêu năm thì hưởng trợ cấp theo phần trăm đóng bảo hiểm thì về già dù ít nhưng họ vẫn không phải lệ thuộc gia đình,.. Nên chăng quay lại thời trước nữ cứ 15 năm, nam 20 năm hưởng 45 % là phù hợp". Một bạn đọc giấu tên cho rằng Luật BHXH chỉ phù hợp với công chức nhà nước còn với lao động làm trong các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh thì chưa. Đã có thống kê cụ thể 1 năm có bao nhiêu lao động trong khối doanh nghiệp tư nhân, liên doanh nghỉ hưu? Chiếm bao nhiêu % tổng số lao động nghỉ hưu? Từ những con số đó sẽ thấy được bất cập của Luật BHXH. Chưa kể đến việc tính bình quân trung bình tiền đóng BHXH. Vì vậy để BHXH là lưới an sinh thật sự cho người lao động khi về già thì rất cần những người xây dựng luật xuống doanh nghiệp làm công nhân trước, có như vậy họ mới hiểu được thực tế". Tương tự, bạn đọc Lê Quỳnh Anh góp ý: "Luật cũng nên đi khảo sát 1 chút cho dân đỡ khổ , làm việc là công nhân vừa nặng nhọc vừa độc hại không chịu nổi đến tuổi cao như vậy, vả lại doanh nghiệp chỉ muốn người trẻ khỏe và đào thải người già nên người lao động khi về già rất khổ"
Bình luận (0)