“Khi tiếp xúc với các cơ quan chức năng, bao giờ người lao động (NLĐ) cũng cho rằng họ đúng, công ty sai. Thật ra, nếu họ có thiện chí thì chúng tôi cũng không cư xử như thế”. Đại diện Công ty P. Đ (quận 6, TP HCM) đã trần tình như vậy. Vừa qua, công ty đã cho một nhân viên nghỉ việc nhưng sau đó phải nhận lại vì làm sai quy trình.
Hai bên đều “nóng”
Anh N.V.Th làm việc từ tháng 12-2015 với vị trí công nhân bảo trì điện, hợp đồng lao động thời hạn 1 năm. Đến tháng 4-2016, anh bị cho nghỉ việc với lý do vô kỷ luật, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, quan hệ không tốt với đồng nghiệp. Nhận tờ quyết định cho nghỉ việc, anh Th. phản ứng bằng cách vứt xuống đất, lấy chân giẫm lên rồi chửi trưởng phòng nhân sự là “đồ con chó trung thành của chủ”. Trưởng phòng nhân sự tức giận yêu cầu bảo vệ “lôi cổ” anh Th. ra khỏi công ty.
Trong đơn khiếu nại gửi báo chí và các cơ quan chức năng, anh Th. trình bày: “Tôi đang làm việc, không vi phạm bất cứ điều gì thì công ty đột ngột ra quyết định chấm dứt hợp đồng mà không báo trước. Công ty cũng không trả lương tháng 4-2016 cho tôi”. Tại buổi đối chất giữa các bên tổ chức mới đây, công ty trưng ra hàng loạt biên bản về việc anh Th. không có mặt ở nơi làm việc khi máy móc xảy ra sự cố. Anh Th. cũng thường xuyên đi trễ và 2 lần gây gổ suýt đánh nhau với trưởng xưởng. Chưa kể, trong quyết định cho nghỉ việc có đề cập đến việc trả lương những ngày làm việc của tháng 4-2016 nhưng anh Th. không đến nhận.
Trước những chứng cứ này, anh Th. không thể chối cãi. Tuy nhiên, anh vin vào lý do công ty không tổ chức cuộc họp mà đã cho nghỉ việc là sai luật. Đại diện công ty thừa nhận việc này, đồng ý nhận anh Th. trở lại làm việc nhưng cũng cảnh báo: “Nếu anh không sửa đổi thì chắc chắn không thể làm việc lâu dài”. Anh Th. trở lại làm việc được 1 tuần thì viết đơn xin nghỉ. Khi thông báo tin này với chúng tôi, ông Võ Văn Nam, giám đốc công ty, thở phào: “Tôi như gỡ được cái xương cá mắc trong cổ họng mấy tháng nay”.
“Luôn giành phần phải về mình” là điều thường thấy trong các vụ tranh chấp lao động. Cả hai bên đều cho rằng mình có lý và khăng khăng bảo vệ cái lý ấy mà không căn cứ vào một thước đo chung nhất: Quy định của pháp luật. Hậu quả là tranh chấp dây dưa, kéo dài, cả hai phía đều gánh chịu thiệt hại.
Trường hợp xảy ra tại Công ty M.V (quận Thủ Đức, TP HCM) là một ví dụ điển hình. Tháng 9-2015, anh Võ Việt Thành bị công ty sa thải, yêu cầu bồi thường thiệt hại vì làm lộ bí mật kinh doanh của công ty. Anh Thành không đồng ý nên đã gửi đơn khiếu nại, đòi công ty phải trả lại tiền thế chân và bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần vì bị sa thải trái luật.
Để có chứng cứ buộc tội anh Thành, công ty đã thuê thám tử điều tra, xác minh việc anh Thành giao dịch với đối thủ cạnh tranh. Công ty còn thuê luật sư để kiện anh Thành ra tòa. Tuy nhiên, chứng cứ mà công ty thu thập được không đủ cơ sở để buộc tội anh Thành làm lộ bí mật kinh doanh nên bị các cơ quan chức năng bác bỏ. Ngoài ra, công ty còn bị phát hiện có sai phạm trong việc bắt NLĐ phải đóng tiền thế chân để được nhận vào làm việc.
Mãi đến đầu tháng 6-2016, vụ việc mới được giải quyết xong. Phía công ty phải trả lại tiền thế chân, trả 9 tháng lương trong thời gian anh Thành bị sa thải trái luật và bồi thường các khoản tổng cộng 290 triệu đồng; chưa kể tiền thuê thám tử, thuê luật sư và một số chi phí khác. Anh Thành cũng tốn kém chi phí đi lại, thuê mướn luật sư. Đáng nói, trong thời gian anh bị thất nghiệp và theo đuổi vụ kiện, do tinh thần hoang mang, thiếu tập trung, anh bị té xe gãy chân.
“Công ty cứ khăng khăng cho rằng tôi phản bội, bán bí mật kinh doanh của công ty nên tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng để chứng minh mình trong sạch” - anh Thành chia sẻ. Còn đại diện Công ty M.V thì nói rằng do rất ghét những người “ăn cây táo, rào cây sung” nên khi nghe nói anh Thành phản bội thì quyết làm cho ra lẽ!
Ông Võ Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Thiên Mỹ (quận Bình Thạnh, TP HCM):
Không nên “gieo thù, chuốc oán”
Là chủ doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng việc “ăn thua đủ” với NLĐ là tự hạ thấp mình. NLĐ có thể hành động thiếu suy nghĩ chứ chủ doanh nghiệp thì không được phép làm điều đó. Họ phải xem xét, đánh giá vấn đề với tấm lòng khoan dung, độ lượng. Phải cư xử sao cho NLĐ nể trọng chứ không nên “gieo thù, chuốc oán”.
Bình luận (0)