Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn (NĐ) Nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang), cho biết nhiều năm qua, NĐ đã đặc biệt coi trọng việc phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn an toàn đi biển cho ngư dân. "Theo thống kê từ các đài thông tin hàng hải đặt dọc các tỉnh duyên hải, mỗi tuần có 6-8 vụ tai nạn tàu cá gọi cấp cứu do cháy nổ (điện, nhiên liệu), sét đánh, tàu chìm, chết máy, tai nạn thân thể, rơi xuống biển…Điều đó cho thấy ngư dân đối diện với nhiều rủi ro khi hành nghề trên biển" - ông Phúc nói.
Hiểm nguy rình rập
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam Khu vực IV đóng tại Khánh Hòa, qua thống kê sơ bộ từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã cứu 63 vụ tai nạn trên biển, trong đó tàu cá chiếm nhiều nhất với 51 vụ. Tổng số người được cứu vì tai nạn lao động là 88 trường hợp, trung bình mỗi năm trên 20 người.
Tuyên truyền cho ngư dân cách phòng chống, xử lý tai nạn lao động trên biển
Với kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển, ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch NĐ Nghề cá phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang - hiểu rõ những khó khăn mà ngư dân phải đối diện khi vươn khơi bám biển. Ông trầm ngâm kể lại cách đây mấy năm, một ngư dân ở tỉnh Bình Định tên Thời vào đi bạn với tàu của ông. Chuyến biển đáng lý rất vui vì trúng cá nhưng anh Thời bị cá đâm vào chân. Những tưởng vết thương sẽ không sao nhưng chuyến biển kéo dài, cộng với thuốc men, trang bị cứu nạn không bảo đảm nên khi vào bờ, anh Thời đã trong tình trạng nhiễm trùng nặng. Khi đưa đến bệnh viện thì sự đã rồi, vết thương bị hoại tử buộc phải tháo khớp. "Từ lao động chính, chỉ vì chủ quan mà Thời mất 2 chân phải ngồi xe lăn và phải về quê để gia đình hỗ trợ…" - ông Tính thở dài.
Hay một vụ tai nạn khác, trong quá trình thả neo, anh Kiều Văn Quản (SN 1985, quê Thanh Hóa) bị dây neo quấn khiến cẳng chân đứt lìa. Mặc dù ông Tính đã quyết định bỏ chuyến biển, đưa anh Quản về bờ chữa trị nhưng vẫn không kịp, phải cưa bỏ chân. Chi phí phẫu thuật do ông Tính bỏ tiền túi ra lo liệu.
Trách nhiệm với đoàn viên - ngư dân
Để ngư dân học cách đi biển an toàn, NĐ Nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang) luôn kêu gọi, thông báo cho các chủ tàu và ngư dân tham gia các cuộc tập huấn về kiến thức an toàn trên biển.
Năm nào NĐ nghề cá cũng phối hợp cùng Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam Khu vực IV tổ chức nhiều buổi tuyên truyền an toàn, an ninh hàng hải và tìm kiếm cứu nạn cho bà con ngư dân. Trung tâm sử dụng mô hình thực tế, trực quan sinh động, thuyết trình viên của trung tâm giới thiệu chi tiết đến bà con hệ thống tín hiệu mà tàu mình sử dụng khi hoạt động trên biển. Ban ngày có thể sử dụng quả cầu màu đen để thông báo đang đậu, kéo lưới; còn hoạt động ban đêm lại có các tín hiệu đèn khác nhau. Trung tâm còn hướng dẫn bà con cách sử dụng các tín hiệu cứu nạn khi gặp sự cố trên biển, các kỹ thuật sơ cấp cứu khi có ngư dân bị tai nạn như gãy tay, chân; chảy máu… cũng như việc liên lạc với các trung tâm tìm kiếm để được hỗ trợ. "Điều mà NĐ canh cánh bấy lâu nay là mong muốn được cơ quan nhà nước hỗ trợ một tổng đài trong NĐ để các đoàn viên liên lạc với nhau. Từ đó thông báo, hỗ trợ kịp thời khi đoàn viên gặp sự cố trên biển" - ông Phúc bày tỏ.
Nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 9 NĐ nghề cá với gần 1.200 đoàn viên. Các đoàn viên - ngư dân tham gia NĐ sẽ được tuyên truyền, nắm bắt các chủ trương của Đảng và chính sách nhà nước, các thông tin pháp luật quốc tế về biển đảo. Các ngư dân còn được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần, nhất là giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, bất trắc trên biển. "Hoạt động của các NĐ nghề cá hiện còn gặp nhiều khó khăn do các chuyến đi biển của ngư dân kéo dài, kinh phí hoạt động hạn hẹp" - ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Bình luận (0)