Tại Nhà máy Bê-tông đúc sẵn Hùng Vương - Vĩnh Cửu 1 (thuộc Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương), anh Trần Quốc Toản, quản đốc xưởng cơ khí được xem là một điển hình sáng tạo. 10 năm gắn bó với công ty, chàng kỹ sư trẻ sinh năm 1986 này đã để lại dấu ấn với 17 sáng kiến cá nhân, cùng tập thể nghiên cứu thực hiện 9 công trình, sáng kiến khác, tiết kiệm và làm lợi hàng tỉ đồng.
Sáng kiến vì đồng nghiệp
Từ nhỏ, Toản có niềm đam mê đặc biệt đối với máy móc. Do vậy, khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định theo học ngành cơ khí chế tạo máy (ĐH Công nghệ Đồng Nai). Ra trường, anh đầu quân cho Nhà máy Bê-tông đúc sẵn Hùng Vương - Vĩnh Cửu 1 với vị trí nhân viên kỹ thuật. Kiến thức nền vững, lại ham học hỏi nên anh sớm tiếp cận với công việc, đồng thời gây được thiện cảm với ban giám đốc cũng như đồng nghiệp bởi sự năng động và đam mê sáng kiến.
Dù là người mới nhưng mỗi khi đơn vị có nhu cầu hỗ trợ cho các bộ phận khác, anh sẵn sàng chấp nhận thử thách và luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Tinh thần làm việc lăn xả ấy đã giúp người thợ trẻ nhanh chóng trưởng thành. Chỉ sau 4 năm làm việc, anh được đề bạt làm quản đốc xưởng cơ khí của nhà máy. Trở thành quản lý, Toản vẫn dành khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, sáng tạo. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, chàng kỹ sư trẻ này đã cho ra đời 17 sáng kiến, được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nhiều sáng kiến làm lợi hàng tỉ đồng, điển hình như sáng kiến "Thiết kế cải tiến hệ thống dàn quay cống tròn bê-tông cốt thép công nghệ ly tâm" tiết kiệm và làm lợi cho doanh nghiệp (DN) hơn 2 tỉ đồng/năm. Hay ý tưởng "Thiết kế, chế tạo máy nạp liệu bê-tông cho cống tròn bê-tông cốt thép công nghệ quay ly tâm" làm lợi 1,2 tỉ đồng/năm…
Anh Trần Quốc Toản (bìa trái) đang hướng dẫn công nhân vận hành thiết bị
Dù đạt được nhiều thành công nhưng Toản vẫn khiêm tốn, chỉ xem đây là trách nhiệm. "Nhìn anh em công nhân thao tác vất vả nhưng năng suất không được như mong muốn, tôi rất trăn trở, khao khát làm điều gì đó để san sẻ với họ. Do vậy, khi bắt tay thực hiện sáng kiến, tôi luôn tự đề ra mục tiêu cho mình, đó là giúp anh em công nhân bớt cực nhọc trong khi vẫn cải thiện được năng suất lao động và thu nhập. Chỉ khi nào sáng kiến được ứng dụng có hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra thì tôi mới xem đó là thành công" - anh Toản tâm sự.
Nỗ lực để thành công
Trong số hàng chục sáng kiến đã thực hiện, anh Toản luôn tâm đắc với sáng kiến "Thiết kế, chế tạo dây chuyền rung gối cống bê-tông tự động bằng công nghệ rung bàn", vì công trình này mang lại lợi ích không chỉ cho DN mà còn cho NLĐ.
Anh chia sẻ, trước đây sản phẩm gối cống (bộ phận được sử dụng trong lắp đặt đường ống bê-tông cốt thép thoát nước) được sản xuất thủ công nên chất lượng sản phẩm không ổn định sau khi đúc. Chưa hết, anh em CN phải chờ cho bê-tông khô mới tháo khuôn để đúc tiếp, vì vậy để kịp tiến độ thì cần từ 12-15 nhân công cùng lúc gia công trên nhiều khuôn. Phương pháp sản xuất này dựa hoàn toàn vào sức người nên khi đơn hàng gấp, anh em CN rất vất vả. Đó là điều mà lãnh đạo công ty và bản thân anh, người sát cánh hằng ngày với CN luôn trăn trở và quyết tâm khắc phục cho bằng được.
Dây chuyền máy đúc gối bê-tông bằng công nghệ rung bàn ra đời trong hoàn cảnh đó. Với nguyên lý hoạt động của dây chuyền là bê-tông được trộn tự động từ trạm trộn rồi xả xuống xe trung chuyển, sau đó đưa tới phễu chứa của xe nạp liệu gối. Hệ băng tải của xe nạp đưa bê-tông vào khuôn gối được lắp trên bàn máy rung bằng kẹp hơi. Bàn rung tạo thành lực lèn chặt bê-tông, sản phẩm rung xong được mở kẹp và được đưa ra ngoài để đúc sản phẩm kế tiếp. Quy trình mới này được vận hành tự động, khi áp dụng cho sản phẩm chất lượng với năng suất cao gấp 6 lần và giảm 50% chi phí làm khuôn, giảm 60% lao động. Ngoài ra, sản phẩm này cũng giúp đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn công các công trình.
"Để có được thành công, tôi và anh em thi công đã nỗ lực mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và không ít lần thất bại, khi thì máy móc trục trặc, lúc thì sản phẩm bị vỡ mép lúc rút khỏi khuôn... Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải xem xét lại từ đầu. Mất gần 6 tháng thì mới hoàn chỉnh quy trình. Ngoài những giá trị về vật chất mà sáng kiến mang lại, điều khiến tôi thấy hạnh phúc hơn hết là đã san sẻ phần nào gánh nặng với NLĐ" - anh Toản bộc bạch.
Ngoài tinh thần đam mê sáng tạo, anh Toản luôn sẵn lòng hỗ trợ đồng nghiệp và kèm cặp thợ trẻ. Nhiều người dưới sự hướng dẫn của anh đã trở thành thợ giỏi. Chính vì vậy mà anh luôn được đồng nghiệp, cấp dưới quý mến. Anh Nguyễn Văn Hòa, tổ cơ khí 2, nhận xét: "Điều tôi quý nhất ở anh Toản là sự khiêm tốn, hết mình với công việc và sống có trách nhiệm với đồng nghiệp. Ai gặp khó khăn trong công việc cũng được anh hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình. Điều chúng tôi càng thêm trân trọng là những sáng kiến của anh Toản không chỉ giúp NLĐ bớt cực nhọc mà còn tăng thu nhập".
Kỳ tới: Sáng tạo vì cộng đồng
Bình luận (0)