Từ ngày 15-9, tỉnh Bình Dương đã xây dựng kịch bản 3 giai đoạn khôi phục kinh tế. Trong đó, cho phép doanh nghiệp (DN) ở "vùng xanh" hoạt động trở lại, bố trí nơi ở cho công nhân (CN) bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các DN trong "vùng xanh" phải bảo đảm an toàn theo mô hình "3 xanh": "Nhà máy xanh, nhà trọ xanh và CN xanh".
Ổn định sản xuất
Thực hiện mô hình "3 xanh", tỉnh Bình Dương đề nghị chủ đầu tư, DN phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào DN. Nơi nào không đáp ứng, không bảo đảm an toàn thì buộc ngừng hoạt động. Đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến CN (người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hằng ngày từ nơi ở đến công ty, DN), đo thân nhiệt và yêu cầu phải khai báo y tế bắt buộc hằng ngày khi đến làm việc; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.
Để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng (các khu nhà trọ, chỗ ở của CN) vào trong DN và ngược lại, chính quyền địa phương chủ động phối hợp DN liên hệ, vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những CN cùng làm chung một DN được ở chung một phòng hoặc một dãy, nếu bảo đảm đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các CN của cùng một nhà máy, một DN ở chung nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.
Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương muốn được áp dụng mô hình “3 xanh”
Ông Phan Thế Hiệp, đại diện Công ty TNHH Gốm sứ Xuất khẩu Eschbach (phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cho biết để xây dựng phương án mô hình "3 xanh", DN đã lập danh sách NLĐ đang ở khu vực xanh, có đầy đủ thông tin nơi cư trú của họ; nếu ở trọ thì có thông tin của chủ nhà trọ để DN liên hệ, sắp xếp, bố trí chỗ ở cho người lao động (NLĐ). Sau đó, chọn ra 5 nhà trọ rồi gom CN đến ở chung. "Rất may là các chủ nhà trọ đều ủng hộ khi DN thực hiện mô hình này" - ông Hiệp nói. Ông Hiệp cho biết công ty có 275 CN, nhưng hiện chỉ có 126 CN đang thực hiện mô hình "3 xanh". Số còn lại không thể thực hiện được mô hình này vì một số ở TP HCM, một số sinh sống ở khu vực "vùng vàng" hoặc "vùng đỏ". Tuy nhiên, công ty vẫn trả lương đầy đủ cho những trường hợp này, thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng.
Khó tìm chỗ ở cho công nhân
Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, cho biết hiện nay địa phương có nhiều DN đã đăng ký mô hình "3 xanh" nhưng chỉ mới có 2 DN được cấp giấy chứng nhận "3 xanh" và khoảng 10 DN đang thẩm định để cấp giấy chứng nhận.
Để bảo đảm an toàn khi thực hiện mô hình này, thị xã đã thành lập tổ thẩm định gồm UBND thị xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các xã, phường. Khi DN đăng ký mô hình này thì phải có phương án và CN phải ở khu vực xanh. Việc di chuyển của CN cũng phải bảo đảm đúng như yêu cầu của cơ quan chức năng. "DN căn cứ vào năng lực, điều kiện cụ thể về phòng chống dịch bệnh để xây dựng phương án sản xuất phù hợp và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, phê duyệt trước khi đi vào hoạt động sản xuất" - ông Ân nói.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết hiện các DN ở tỉnh này vẫn chủ yếu thực hiện mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến". Đối với mô hình "3 xanh" thì tỉnh đang bắt đầu triển khai, tuy nhiên mô hình này đòi hỏi tiêu chí khắt khe từ NLĐ, khu phố cho đến nhà máy đều phải xanh. Ngay khi DN bảo đảm mô hình "3 xanh", thì trước khi cho CN vào nhà máy sản xuất, DN phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần (lần 1 trước khi hoạt động 3 ngày bằng xét nghiệm PCR gộp mẫu 10, lần 2 vào ngày hoạt động bằng test kháng nguyên nhanh gộp mẫu từ 3 đến 5). Trong quá trình hoạt động, DN phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test kháng nguyên nhanh hoặc xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR mẫu gộp, thực hiện 5 ngày/lần; xét nghiệm hằng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm,... di chuyển ra, vào DN.
Tại TP Thuận An cũng đang bắt đầu triển khai mô hình "3 xanh", tuy nhiên địa phương này vẫn đang là điểm nóng về tình hình dịch Covid-19. Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, cho biết cái khó của Thuận An khi thực hiện "3 xanh" là đa phần chỗ ở CN chủ yếu là nhà trọ, trong khi đây là nơi có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất. "Chúng tôi khuyến khích DN tìm những khu nhà xưởng hay địa điểm an toàn, sạch sẽ, có không gian thoáng mát để bố trí cho CN ở" - ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Viết Xiêm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Uchiyama VN (KCN Đại Đăng, TP Thủ Dầu Một), cho biết công ty hiện có khoảng 800 CN đang thực hiện "3 tại chỗ". Vì thời gian thực hiện khá lâu nên anh chị em CN muốn được ra ngoài. Tuy nhiên, hiện nay Bình Dương vẫn chưa cho phép người dân di chuyển tự do ngoài đường nên DN muốn được thực hiện mô hình "3 xanh". "Cái khó nhất hiện nay DN không thể tìm được chỗ ở cho NLĐ" - ông Xiêm cho hay.
Phải an toàn
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, các địa phương "vùng xanh" khi trở lại trạng thái bình thường mới thì việc sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn thực hiện mô hình "3 xanh" nhằm thúc đẩy và bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp không bảo đảm an toàn thì phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung cho phòng chống dịch bệnh.
Bình luận (0)