Không giống với một lễ tiếp nhận thực tập sinh (TTS) thông thường, buổi tiếp nhận hơn 200 TTS của tỉnh Đồng Tháp được Công ty TNHH Nhật Huy Khang tổ chức hôm 22-10 tại Khu Công nghệ cao TP HCM có nhiều điều khác lạ. Các TTS với áo phông trắng gọn gàng, ngồi ngay ngắn, mắt hướng về sân khấu trong hơn 2 giờ để nghe ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nói chuyện về những cơ hội và thách thức khi sang Nhật làm TTS.
Hãy học người Nhật
Không đứng một chỗ trên bục quen thuộc, không cầm trên tay văn bản soạn sẵn, ông Hoan tay cầm micro, bằng chất giọng đặc sệt Nam Bộ đầy hứng khởi chia sẻ với các bạn trẻ là con em của tỉnh nhà. Không một ai có mặt trong hội trường rời mắt khỏi hình ảnh ông Bí thư trên sân khấu bởi những câu chuyện gần gũi thực tế, hết sức thẳng thắn của ông về tinh thần của người Nhật và những gì mà các bạn TTS ngồi đây có thể làm được.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp
Mở đầu phần trò chuyện, ông Hoan cho trình chiếu bản đồ nước Nhật. Ông nói nếu các bạn nhìn kỹ, sẽ thấy bản đồ Việt Nam và Nhật Bản có nét tương đồng. Liền sau đó, ông cho chiếu hình ảnh chiếc xe Toyota là chiếc xe hơi đầu tiên do Nhật Bản sản xuất năm 1936. Ông Hoan đặt câu hỏi mở rằng, tại sao một đất nước được xem là ít tài nguyên khoáng sản lại có thể sản xuất được chiếc ô tô từ cách đây 82 năm? "Qua tìm hiểu trực tiếp trong chuyến công tác gần đây tại đất nước hoa anh đào, tôi nhận ra rằng gần 100 năm trước, người Nhật đã xách cặp đi học phương Tây. Với tinh thần ham học hỏi, kết hợp với những tinh hoa công nghệ tiên tiến của phương Tây, người Nhật đã làm ra những máy móc, sản phẩm cơ khí, điện tử cho cả thế giới dùng" - ông Hoan nói.
Thực tập sinh Đồng Tháp
Trước khi có buổi nói chuyện này trước hơn 200 TTS tỉnh nhà chuẩn bị lên đường sang Nhật, ông Lê Minh Hoan đã sang Nhật tìm hiểu về những ngành nghề mà con em Đồng Tháp quê ông có thể học tập được, phù hợp nhất để khi hết thời gian TTS, các em sẽ quay về khởi nghiệp, xây dựng quê hương.
Ngưỡng mộ trước tinh thần của người Nhật, ông Hoan mong muốn các bạn trẻ cần phải thay đổi tư duy. Dẫn câu chuyện về việc một cô nhân viên khi được sếp giao cho việc liên lạc với đối tác để xem khi nào họ đến. Cô nhân viên kia làm ngay và cho biết họ sẽ đến vào ngày thứ sáu tuần sau. Sếp hỏi cô ấy họ đến lúc mấy giờ, có bao nhiêu người trong đoàn, họ sẽ đáp chuyến bay nào và sẽ ở khách sạn nào thì cô nhân viên đáp là không biết.
Ông Hoan nói luôn, đó là thái độ nghiêm túc trong công việc. "Nếu chia tỉ lệ giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ, người ta nói rằng kiến thức cộng với kỹ năng chỉ chiếm 20% của sự thành công trong công việc, còn 80% là thái độ. Người Nhật thì khác, họ vượt qua các nước trên thế giới chính là ở 80% đó" - ông Hoan nói.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (thứ hai, từ phải qua) đến Công ty Nhật Huy Khang trò chuyện với thực tập sinh ngày 22-10 Ảnh HOÀNG HẬU
Tiền có thể hết nhưng trí thức mãi còn
Ông Hoan cho rằng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, con người chỉ còn hơn người máy ở ý thức. Những gì con người làm được, người máy cũng có thể làm được, duy chỉ có ý thức là người máy khó có thể có được. Đó là thách thức thứ nhất của con người trong kỷ nguyên này.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Công ty Nhật Huy Khang và thực tập sinh ngày 22-10
Một thách thức lớn hơn, theo ông Hoan, đó là con người không ý thức được bản thân mình là ai. "Khi bạn không ý thức được mình là ai, làm được gì và sẽ như thế nào thì đồng nghĩa bạn đã tự đưa mình ra khỏi dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Người máy thất bại khi không có ý thức thì không nguy hiểm lắm, nhưng người sống mà thất bại khi không còn ý thức thì nguy hại cho cả xã hội" - ông Hoan nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nói chuyện với thực tập sinh tại Công ty Nhật Huy Khang ngày 22-10
Ông đặt sự tin tưởng rất lớn những bạn trẻ ngồi đây hôm nay sẽ biến cơ hội 3 năm, 5 năm TTS tại Nhật thành những hiện thực tỏa sáng trên quê nhà với những sáng tạo, đổi mới, cải tiến để giúp bà con nông dân sản xuất những loại nông sản bán được giá cao hơn, xuất được sang các thị trường lớn trên thế giới. Ông khẳng định rằng, các bạn trẻ Đồng Tháp sang nước ngoài làm việc, đặc biệt là sang Nhật để học tập, nâng cao các kỹ năng để trở về làm chủ chứ không mang ý nghĩa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) để xóa đói giảm nghèo. Ở Đồng Tháp, đi XKLĐ là đi làm thuê để về làm chủ, đó là khẩu hiệu của quê hương Sen hồng.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan trò chuyện với thực tập sinh ngày 22-10
Ông nhấn mạnh, nếu chỉ đi để kiếm tiền, các bạn trẻ sẽ mất đi tinh thần học tập. Nếu chỉ muốn thoát nghèo, các bạn vẫn chỉ trong tâm thế đi bán sức lao động. "Tôi không muốn như vậy. Tôi muốn các bạn thay đổi suy nghĩ, phải ở tâm thế người làm chủ. Khi các bạn trở về, cái các bạn đang có không phải là khoản tiền kiếm được, mà là nền tảng tri thức, tinh thần, kỹ năng và thái độ làm việc tuyệt vời của người Nhật. Tiền sẽ hết nhưng tri thức thì mãi mãi trường tồn và sẽ giúp các bạn kiếm được số tiền gấp vạn lần các bạn đang có" - ông Hoan phân tích.
Về để xây dựng quê hương
"Tôi thấy hiếm có một lãnh đạo nào có quan điểm đưa con em tỉnh mình đi XKLĐ để trở về xây dựng quê hương như ông Hoan. Với Bí thư Lê Minh Hoan, đi XKLĐ là đi học tập để lấy kiến thức chứ không đơn thuần đi làm kiếm tiền" - ông Trần Quốc Ninh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Nhật Huy Khang, bày tỏ.
Bình luận (0)