Bị nợ 2 tháng tiền lương (tháng 1 và 2-2021) với tổng số tiền khoảng 130 triệu đồng, thời gian qua, anh Tô Thanh Dũng cùng 8 công nhân (CN) khác đã nhiều lần liên hệ với Trung tâm Dịch vụ viễn thông S. (quận 1, TP HCM) để đòi tiền lương nhưng không đạt kết quả. Hết cách, họ định khởi kiện ra tòa nhưng chưa biết tính sao.
Người lao động của ai?
Anh Dũng và nhóm CN được Trung tâm Dịch vụ viễn thông S. tuyển vào làm lao động thời vụ, từ tháng 5-2020 đến tháng 3-2021. Công việc phải làm là thu hồi cáp đồng trên địa bàn TP HCM, lương 7,2 triệu đồng/người/tháng. Lấy lý do để thuận tiện trong việc quyết toán trả lương, cán bộ của trung tâm yêu cầu NLĐ phải tìm một doanh nghiệp (DN) có pháp nhân để ký hợp đồng giao nhận thi công.
Khi đó, để có việc làm, anh Dũng phải nhờ người quen là giám đốc một công ty xây dựng điện đứng ra ký hợp đồng này. Theo hợp đồng, mỗi tháng, trung tâm sẽ thanh toán cho công ty xây dựng điện 70% giá trị tổng khối lượng công việc thực hiện. Số còn lại sẽ thanh toán trong vòng 7 ngày khi công ty cung cấp đầy đủ hồ sơ nghiệm thu, quyết toán khối lượng và hóa đơn thực hiện công trình cho trung tâm. Anh Dũng khẳng định việc ký hợp đồng giao nhận thi công chỉ trên danh nghĩa. Trong thời gian làm việc, NLĐ chịu sự điều hành, quản lý từ trung tâm, đồng thời cũng nhận tiền lương trực tiếp từ đơn vị này. Thời gian đầu, mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng sau đó trung tâm chậm, rồi nợ lương cho đến nay.
Người lao động tham gia tư vấn pháp luật tại điểm trợ giúp pháp lý do LĐLĐ quận 4, TP HCM tổ chức Ảnh: HUỲNH NHƯ
Anh Dũng và các CN cũng tìm đến các cơ quan chức năng nhưng không đạt kết quả bởi không chứng minh được quan hệ lao động với cả 2 đơn vị vì không có hợp đồng lao động (HĐLĐ). Chưa hết, căn cứ xác định khoản nợ là "lương" và bên nợ lương cũng không rõ ràng. "Theo hợp đồng giao nhận thi công, nếu phát sinh không thể giải quyết thì các bên có thể khởi kiện ra tòa án kinh tế. Như vậy, chỉ khi công ty xây dựng điện đứng ra kiện trung tâm vì vi phạm hợp đồng thì may ra chúng tôi mới lấy được tiền. Tuy nhiên, bản chất bản hợp đồng chỉ ký trên danh nghĩa và tôi cũng không muốn lôi kéo người đã giúp mình vào vụ tranh chấp" - anh Dũng chia sẻ.
Giải pháp tối ưu: Kiện ra tòa
Cũng vì nhập nhằng quan hệ lao động với các công ty mà ông Trần Hữu Huy gặp nhiều khó khăn trong việc đòi quyền lợi. So với các trường hợp trên, ông Huy may mắn hơn vì cuối cùng đã nhận được quyền lợi chính đáng, song đó là kết quả của hơn 1 năm kiên trì đeo đuổi vụ việc tại tòa án.
Trước đó, ông Huy có ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm (từ 1-7-2020 đến 1-7-2021) với ông N.V.P, tổng giám đốc Công ty TNHH F.X (tỉnh Bình Dương), với công việc là CN đánh bóng sản phẩm. Khi HĐLĐ vẫn còn thời hạn, ông N.V.P lại đại diện cho Công ty TNHH F.H (tỉnh Bình Dương), với vai trò phó tổng giám đốc yêu cầu ông Huy ký HĐLĐ hợp đồng xác định thời hạn 1 năm (từ ngày 1-6-2021 đến 31-5-2022) cùng vị trí công việc, mức lương, đồng thời điều động ông đến làm việc tại công ty mới.
Đến ngày 19- 9-2021, do không đồng ý với việc Công ty TNHH F.H yêu cầu làm việc cả ngày nghỉ nhưng không bố trí thời gian nghỉ bù, ông Huy bị đuổi ra khỏi công ty. Những ngày sau đó, ông có đến công ty nhưng bảo vệ không cho vào. Ngày 15-1-2022, ông Huy nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn từ Công ty TNHH F.X với lý do xin thôi việc dù thực tế ông chưa từng gửi đơn. Bức xúc, ông Huy khởi kiện ra tòa yêu cầu Công ty TNHH F.H phải nhận ông trở lại làm việc và Công ty TNHH F.X hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, bồi thường thiệt hại gần 58 triệu đồng.
Tại phiên xử do TAND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây, đại diện Công ty TNHH F.X cho hay DN đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 5-2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hiện vẫn còn tư cách pháp nhân. Ngày 15-1-2022, công ty ký quyết định chấm dứt HĐLĐ nhằm mục đích để ông Huy được hưởng chế độ BHXH và các khoảng hỗ trợ trong thời gian dịch bệnh. "HĐLĐ đến ngày 1-7-2021 mới hết thời hạn nhưng thực ra ông Huy đã ký HĐLĐ và làm việc tại Công ty TNHH F.H từ ngày 1-6-2021. Do đó, tại thời điểm khởi kiện, giữa công ty và ông Huy không còn tồn tại quan hệ lao động.
Do đó, công ty không đồng ý bồi thường" - đại diện Công ty TNHH F.X lập luận. Phía Công ty TNHH F.H cũng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện vì cho rằng công ty không đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà do ông Huy tự ý nghỉ việc. "Quyết định chấm dứt HĐLĐ do Công ty TNHH F.X ban hành; 2 công ty là 2 DN độc lập và người đại diện theo pháp luật cũng khác nhau. Ông Huy sang Công ty TNHH F.H làm sau khi Công ty TNHH F.X giải thể nên không có căn cứ quy trách nhiệm liên đới giữa 2 DN"- đại diện Công ty TNHH F.H khẳng định.
Căn cứ hồ sơ, tài liệu của vụ án, Hội đồng xét xử xác định giữa 2 công ty có mối liên hệ với nhau vì cả 2 HĐLĐ đều do ông N.V.P ký. Tòa cũng xác định hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của Công ty TNHH F.X với ông Huy là trái pháp luật. Do đó, buộc 2 DN phải liên đới bồi thường cho ông Huy tổng số tiền gần 54 triệu đồng.
Trọng chứng hơn trọng cung
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, thực tế từ các vụ án tại tòa cho thấy Hội đồng xét xử thường trọng chứng hơn trọng cung, tức cơ sở đưa ra phán quyết là chứng cứ bằng văn bản. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi bản thân trong quá trình làm việc, NLĐ cần tuân thủ các quy định pháp luật. Đồng thời, cương quyết yêu cầu DN thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi giao kết, thực hiện và chấm dứt HĐLĐ để tránh thiệt thòi về sau.
Bình luận (0)