Những ngày giáp Tết, chúng tôi đến thăm gia đình chị Triệu Thị Mơ (48 tuổi), công nhân (CN) Công ty TNHH Fly Hight Garment, tại một khu nhà trọ ở phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM. Trực tiếp chứng kiến cảnh chị Mơ dùng đôi bàn tay yếu ớt xoa bóp cho chồng là anh Nguyễn Thanh Hải, bị tai biến mạch máu não, chúng tôi không kìm được xúc động. Chị Mơ là một trong 100 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà Tết trong chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" năm 2021 do Báo Người Lao Động tổ chức.
Đương đầu nghịch cảnh
Trò chuyện với chúng tôi, chị Mơ cho biết năm 2008 vợ chồng chị rời quê hương Nam Định vào TP HCM vừa mưu sinh, vừa tìm thầy chữa bệnh hiếm muộn. Thời gian đầu, ban ngày chị làm CN may, còn anh làm thợ cắt tóc; ban đêm chị nhận thêm hàng về cắt chỉ nhằm kiếm thêm thu nhập. Bao nhiêu tiền dành dụm được, 2 vợ chồng đều dồn hết cho việc chữa bệnh nhưng không có kết quả.
Chị Triệu Thị Mơ đang chăm sóc chồng
Trong một lần đi tìm thầy thuốc ở tỉnh Lâm Đồng, chị bị tai nạn giao thông chấn thương cột sống. Cũng kể từ đó, chứng đau cột sống, tay chân tê mỏi bắt đầu hành hạ chị. Năm 2015, khi nửa thân bên trái có dấu hiệu teo cơ, chị đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị trượt 2 đốt sống, vỡ đĩa đệm và chỉ định phải phẫu thuật ngay nếu không sẽ dẫn đến liệt. Trải qua 2 lần phẫu thuật, 2 chân chị Mơ yếu đi và thường xuyên đau nhức. Chị đi đứng, cúi gập người hết sức khó khăn, không thể làm việc nặng, cũng không thể tự chạy xe đi làm. Hai năm sau đó, bệnh cũ chưa hồi phục, tiền vay phẫu thuật chưa trả hết thì chị lại đón nhận thêm tin xấu là mắc thêm căn bệnh Parkinson. Căn bệnh này khiến chị không thể điều khiển được đôi bàn tay mình theo ý muốn, do vậy mọi việc đều phải nhờ sự trợ giúp của chồng. Thế nhưng bất hạnh chưa dừng lại đó, tháng 4-2019, anh Hải đột ngột bị tai biến, liệt nửa người. Sau thời gian dài điều trị, anh đã có thể đi lại trong nhà nhưng lúc nhớ lúc quên và không thể làm được gì. "Thời điểm đó, tôi suy sụp hoàn toàn và không thiết sống nữa. Bình tâm lại, nghĩ đến chồng không ai chăm sóc, tôi cố gắng xốc lại tinh thần, nỗ lực sống tiếp để làm chỗ dựa cho chồng" - chị Mơ bộc bạch.
Đối với chị Mơ, điều may mắn nhất là đồng nghiệp, ban giám đốc công ty rất thông cảm với hoàn cảnh của chị. Dù sức khỏe yếu nhưng chị vẫn được tạo mọi điều kiện để tiếp tục làm việc, có thu nhập trang trải cuộc sống. Khi dịch Covid-19 bùng phát, trong khi nhiều đồng nghiệp phải ngừng việc 1 tháng không hưởng lương thì chị vẫn được bố trí việc để làm, chỉ nghỉ 3 ngày. Tuy nhiên, khoản thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng hiện tại không đủ để 2 vợ chồng trang trải chi phí sinh hoạt và lo chi phí điều trị. Bữa ăn hằng ngày của anh chị là do những hàng xóm ở trọ tốt bụng mang cho. Nghe tin được nhận quà Tết từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động, chị Mơ bật khóc. "Với sự hỗ trợ của chương trình, Tết này vợ chồng tôi bớt lo hơn. Cám ơn sự hỗ trợ của Ban Biên tập Báo Người Lao Động và tấm lòng của các nhà hảo tâm đã san sẻ khó khăn với gia đình" - chị Mơ chia sẻ.
Gắng gượng vì con
Chia tay chị Mơ, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Duy Hiền (50 tuổi), CN Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành, trong một khu nhà trọ trên đường Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM.
Anh Hiền và vợ là chị Lê Thanh đều quê ở Nghệ An, có 4 con, trong đó con gái lớn (19 tuổi) bị tâm thần phân liệt do biến chứng phẫu thuật từ khi chưa tròn 1 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2006, anh Hiền quyết định vào TP HCM mưu sinh để kiếm tiền gửi về quê phụ vợ nuôi con. Chẳng bao lâu sau, anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày (giai đoạn II), phải phẫu thuật cắt bỏ 3/4. Khi đó, chị Thanh đành gửi 3 con cho ông bà nội, dắt theo con gái lớn vào TP để chăm sóc chồng. Trong thời gian chồng điều trị bệnh, để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, chị Thanh cũng xin vào Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành làm việc, còn con gái lớn thì gửi nhờ Mái ấm Thiền Duyên ở Củ Chi chăm sóc.
Phút sum vầy của gia đình anh Nguyễn Duy Hiền
Sau khi điều trị, dù sức khỏe còn yếu nhưng anh Hiền vẫn xin đi làm trở lại để trả nợ trị bệnh và chăm lo cho gia đình. Tổng thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng được hơn 10 triệu đồng, anh chị ưu tiên gửi về quê khoảng 3 triệu đồng/tháng để nuôi con, số còn lại phải trả nợ, chi trả tiền thuê nhà, điện nước, sinh hoạt, hỗ trợ mái ấm… nên thiếu trước hụt sau. Đã vậy, sau khi trải qua cuộc phẫu thuật mổ u tuyến giáp vào tháng 5-2020, đến tháng 11-2020, chị Thanh lại tiếp tục mổ thoát vị đĩa đệm. Để có tiền trả chi phí điều trị cho vợ, anh Hiền phải vay nợ khắp nơi. Đến nay, sức khỏe chị Thanh chưa hồi phục, không thể đi làm, mọi chi phí phụ thuộc vào đồng lương hơn 5 triệu đồng của anh Hiền. Khoản nợ gần 100 triệu đồng vay mượn lâu nay chưa biết khi nào mới trả hết. Khi nghe chúng tôi thông báo nhận được quà hỗ trợ từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động, anh Hiền rất vui. "Với hoàn cảnh của gia đình tôi lúc này, mọi sự trợ giúp dù ít hay nhiều cũng đều rất quý. Tôi rất cảm kích trước sự chăm lo, hỗ trợ kịp thời của Báo Người Lao Động" - anh Hiền nói.
Ông BÙI THANH LIÊM, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương":
Động viên, khích lệ người lao động
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo khiến người lao động phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có sức khỏe và tương lai. Điều đáng khâm phục là các anh, các chị vẫn kiên cường chiến đấu hằng ngày, hằng giờ để vượt qua khó khăn, mất mát và tiếp tục sống có ích cho gia đình, xã hội. Nỗ lực đứng dậy sau nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của các anh, các chị rất đáng được trân trọng, biểu dương.
Ghi nhận tinh thần vượt khó để chiến thắng nghịch cảnh ấy, từ năm 2019, Báo Người Lao Động đã khởi xướng chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" nhằm động viên, khích lệ CN có hoàn cảnh không may. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và bạn đọc đã tích cực đóng góp. Trong 2 năm đầu, chương trình đã trao 110 phần quà (từ 3 - 5 triệu đồng/phần) cho CN bị tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ... Chương trình còn tặng 10 xe đạp cho con CN có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi.
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, năm nay, chương trình tiếp tục trao 100 phần quà (trị giá 3 triệu đồng) cho CN vệ sinh, CN bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo và con CN vượt khó học giỏi tại TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước.
Ban Biên tập Báo Người Lao Động hy vọng với sự sẻ chia kịp thời này, các gia đình CN sẽ có một cái Tết ấm áp.
T.Ngôn
Kỳ tới: Vượt lên số phận
Bình luận (0)