xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

KHÓ KHĂN KHÔNG GỤC NGÃ (*): Sống vui, sống có ích

THANH NGA - GIANG NAM

Dù ngày ngày phải chiến đấu với bệnh tật nhưng họ vẫn nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình

Bốn năm với 6 lần xạ trị là những chuỗi ngày dài đau đớn về thể xác lẫn tinh thần để giành lại cuộc sống nhưng chị Nguyễn Thị Thủy (46 tuổi, quê Hà Tĩnh) vẫn luôn vui vẻ, lạc quan mỗi khi đến công ty làm việc. Chị Thủy là công nhân (CN) Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12, TP HCM). Chị từng bị tai nạn lao động nhưng mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi chị phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 2 vào năm 2016.

"Sau này, tôi muốn hiến xác cho y học"

Kể về chuỗi ngày dài chiến đấu cùng căn bệnh ung thư, chị vẫn cảm thấy chua xót. Chị nói: "Khi đó mọi thứ như sụp đổ dưới chân vì tôi là lao động chính trong nhà, trong khi con trai đầu vừa đậu đại học, con gái sau vừa vào THPT. Tôi không lo lắng về bệnh tình của mình mà chỉ lo ai sẽ nuôi các con, bởi các cháu rất chăm ngoan, học giỏi. Nhưng chính các con là nguồn động lực lớn để tôi vượt qua tất cả. Đã 4 năm rồi tôi trải qua 6 lần xạ trị và chưa biết khi nào mới hết lịch xạ trị" - chị Thủy xúc động nói.

Chị Thủy cho biết dù kiên trì điều trị nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã di căn vào phổi và lên cả não khiến cho sức khỏe chị sa sút hẳn. Bác sĩ, người thân, cán bộ Công đoàn (CĐ), đồng nghiệp trong công ty cũng khuyên chị nên nghỉ ngơi để bệnh khỏi hẳn. Thế nhưng, chị không thể bởi nếu không đi làm thì không có tiền để trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. "Đi làm giúp tinh thần tôi thoải mái hơn bởi tôi biết đi làm là có tiền, mà có tiền là gia đình tôi vẫn tồn tại, các con tôi sẽ ăn học đến nơi đến chốn. Chủ tịch CĐ công ty luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi tại công ty vì anh ấy biết gia cảnh của tôi" - chị Thủy nói.

Trò chuyện với phóng viên, chị Thủy luôn nói về các con với niềm tự hào. Chị cho biết con lớn đang học năm thứ 4, đã tự lo cho bản thân và phụ mẹ nuôi em. Để tiết kiệm tiền trọ, chị đã chuyển về ở cùng nhà người em trai cách chỗ làm khá xa. Đó là cách chị tiết kiệm, dành dụm từng đồng lương ít ỏi để lo cho cả gia đình. Trên đôi vai của người phụ nữ bé nhỏ bệnh tật này là cả một gia đình luôn yêu thương, đùm bọc nhau và cùng nhau vượt khó. Theo chị Thủy, đó là động lực và cả sự may mắn để chị chống lại bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Chị có hai mong ước lớn, đó là sống cho đến khi con gái tốt nghiệp đại học và được hiến xác cho y học khi không còn đủ sức chống lại căn bệnh quái ác.

Biết tin mình được chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động hỗ trợ, chị Thủy rất vui và hạnh phúc.

KHÓ KHĂN KHÔNG GỤC NGÃ (*): Sống vui, sống có ích - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Huân đang làm việc tại vườn cây. Ảnh: THANH NGA

Khát khao làm việc, cống hiến

Phát hiện mình mắc phải căn bệnh hiếm gặp (hội chứng Brugada - gây rối loạn nhịp tim nặng làm tim đập nhanh một cách bất thường và mất kiểm soát), anh Nguyễn Văn Huân, CN Đội Xử lý và tái chế - Xí nghiệp Dịch vụ môi trường (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM), đã trải qua những ngày lo lắng.

Anh kể đầu năm 2020, dù ban ngày vẫn làm việc bình thường nhưng cứ về đêm, anh lại cảm thấy tim hồi hộp khó chịu, tình trạng này kéo dài nên anh đến nhiều bệnh viện để kiểm tra nhưng đều không phát hiện dấu hiệu bất thường. Mãi đến khi khám tại Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ mới xác định anh mắc hội chứng Brugada, có thể gây đột tử bất cứ lúc nào, cần phải phẫu thuật gắn máy tạo xung điện nhịp tim. Trước cú sốc lớn trong đời, anh Huân vô cùng lo lắng. Được gia đình và đồng nghiệp động viên, tháng 9-2020 anh chấp nhận điều trị, tiến hành phẫu thuật với chi phí lên đến 300 triệu đồng. Anh cho biết do máy tạo xung điện nhịp tim được sản xuất ở nước ngoài, không có trong danh mục bảo hiểm nên chi phí rất cao.

Dù được ban giám đốc, CĐ và đồng nghiệp hỗ trợ nhưng để hoàn thành cuộc đại phẫu, anh đã phải tiêu tốn số tiền tích cóp cả đời của cả hai vợ chồng. Vì vậy, ngay sau khi được xuất viện 10 ngày, anh đã trở lại làm việc cùng vợ (là thợ may gia công) cáng đáng gia đình, dù cơ thể chưa hoàn toàn thích ứng với máy. Vừa nói anh vừa chỉ cho chúng tôi chiếc máy được cấy dưới da ngay dưới xương đòn của mình, máy khá lớn, gồ lên như chiếc hộp quẹt Zippo, được nối với tim bằng dây điện cực. Bệnh tật khiến sức khỏe yếu đi nhưng điều đáng khâm phục ở anh là luôn khao khát làm việc, cống hiến.

Trước đây, anh Huân là CN chỉ bãi (cho xe rác) tại bãi rác Đông Thạnh, sau này anh kiêm thêm việc gây giống, chăm sóc cây cảnh để tạo cảnh quan nơi đây. Dù được giao bất cứ công việc gì, anh đều nỗ lực học hỏi để hoàn thành tốt. "Tôi muốn được làm việc cho đến lúc nghỉ hưu bởi tôi yêu thích và tự hào về công việc của mình" - anh Huân tâm sự.

KHÓ KHĂN KHÔNG GỤC NGÃ (*): Sống vui, sống có ích - Ảnh 2.

Cô Huỳnh Mỹ Linh rửa chén, dọn dẹp bếp vào cuối buổi chiều. Ảnh: THANH NGA

Dù đã lớn tuổi và mang trong người đủ thứ bệnh nhưng cô Huỳnh Mỹ Linh - tạp vụ, đầu bếp tại Công ty TNHH Cầu trục thang máy Quảng Liên (quận 11, TP HCM) - vẫn tích cực làm việc. Để thuận tiện cho công việc, cô và con gái đã xin ở lại trụ sở của công ty. Hằng ngày, cô thức dậy từ lúc 5 giờ 30 phút, sau khi xoa bóp chân tay để giảm bớt cơn đau từ chứng viêm đa khớp, cô bắt tay chuẩn bị bữa sáng rồi dọn dẹp văn phòng. Đâu vào đấy, cô đi chợ mua đồ về nấu bữa trưa cho nhân viên trong công ty rồi tiếp tục công việc dọn dẹp cho đến hết giờ làm. Cô kể nhờ công việc và giám đốc thương mến mà cô mới đủ khả năng chống đỡ căn bệnh đa hồng cầu và nhiều thứ bệnh khác. Thu nhập của cô khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ đủ tiền thuốc, bởi tháng nào cô cũng phải đi bệnh viện tái khám, ngoài điều trị bằng thuốc thì phải rút máu định kỳ. Do vậy, cuộc sống vẫn vô vàn khó khăn. Hay tin được nhận quà từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" của Báo Người Lao Động, cô rất cảm động và gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức. 

Điều đáng nể ở những CN không may mắc bệnh hiểm nghèo là họ đã vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục làm việc, cống hiến và sự trợ giúp từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" là nguồn động viên tinh thần quý báu dành cho nỗ lực không ngừng của họ".

Ông ĐẶNG NGỌC ĐỒNG, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM

(*) Xem Báo Người Lao động từ số ra ngày 25-1

Kỳ tới: Học tốt để ba mẹ vui

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo