Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ chỉ đạt 26,4%, cao hơn 0,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lao động qua đào tạo, nhất là khối ngành kỹ thuật thấp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự.
Khan hiếm
Sử dụng nhiều kênh, hình thức tuyển dụng nhưng hơn 6 tháng nay, Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 1, TP HCM) vẫn chưa tuyển đủ số lượng nhân sự cần có. Trong đó có vị trí liên quan kỹ thuật sản xuất, cung ứng, dược sĩ và nhân viên kinh doanh…
Ông Trần Quang Lợi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi Aventis, cho biết với mức lương, phúc lợi và thương hiệu đã được khẳng định nên lượng hồ sơ ứng tuyển khá nhiều. Tuy nhiên, ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn của DN lại rất ít.
"Công ty đang thiếu nhiều vị trí dược sĩ ở các dây chuyền sản xuất tại nhà máy, kho dược liệu… nhưng không tuyển được người có kinh nghiệm và ngoại ngữ lưu loát. Nhân lực lĩnh vực y dược tại TP HCM và ở Việt Nam hầu như rất hiếm, nên có hiện tượng các DN cạnh tranh thu hút lao động với nhau" - ông Lợi nói.
Lao động kỹ thuật khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp khó tuyển được nhân sự như ý Ảnh: HUỲNH NHƯ
Là DN chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác xuất khẩu với lượng đơn hàng ổn định, Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) thường xuyên tuyển dụng lao động kỹ thuật, nhất là ngành cơ khí. Theo bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc nhân sự công ty, hiện DN đang tuyển 25 vị trí: trợ lý hội đồng thành viên, thiết kế khuôn, kế hoạch sản xuất, an toàn lao động… nhưng rất ít hồ sơ đủ tiêu chuẩn tuyển dụng.
Vì vậy, DN chỉ còn cách tuyển người chưa có kinh nghiệm để đào tạo. "Đối với lao động kỹ thuật, tùy vị trí làm việc, DN sẽ đào tạo 2-6 tháng. Nhân viên thiết kế khuôn phải đào tạo ít nhất 2 năm mới có thể làm được việc" - bà Linh cho biết. Bà cũng cho rằng công việc thiết kế khuôn là ngành đặc thù, rất ít cơ sở đào tạo khiến nguồn cung lao động luôn khan hiếm. Do vậy, công ty đang hợp tác với các trường cao đẳng, đại học để tuyển sinh viên ngành cơ khí chế tạo máy.
Xoay xở đủ cách
Nhằm bảo đảm tiến độ sản xuất - kinh doanh năm 2023, Công ty TNHH MTV Koei Kiko Việt Nam (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí nhân sự làm việc tại các bộ phận sản xuất, thiết kế và phiên dịch.
Là DN 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất van điều tiết sử dụng trong hệ thống thông gió, với chính sách lương cao, đãi ngộ tốt nhưng vẫn khó tuyển đủ nhân sự theo yêu cầu. Ông Nguyễn Bá Cang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Koei Kiko Việt Nam, cho rằng nguyên nhân là đa phần người lao động (NLĐ) không bảo đảm được chuyên môn, không thành thạo tiếng Nhật. Do vậy, ngoài tuyển lao động trong nước, DN cũng hướng tới du học sinh, thực tập sinh từ Nhật Bản trở về. Song lực lượng này thường lựa chọn làm việc ở các thành phố lớn vì cho rằng môi trường làm việc sôi động và chuyên nghiệp hơn tại tỉnh.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực phía Bắc của Navigos Search, cho biết các DN, đặc biệt là các DN nước ngoài đến Việt Nam, đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ mới, robot hóa, công nghiệp hóa và chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng của họ là lao động đã qua đào tạo. Nhiều nhà máy xây dựng ở Việt Nam không tuyển lao động phổ thông, chỉ tuyển công nhân kỹ thuật đã được đào tạo nghề hoặc có trình độ nghề cao đẳng, đại học để biết cách sử dụng máy móc.
Do đó, các DN khi đến Việt Nam, việc đầu tiên họ quan tâm là vấn đề lao động đã qua đào tạo hay chưa, chất lượng đào tạo thế nào để quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh. "Nhằm nâng cao chất lượng lao động, ngoài chính sách ưu tiên của nhà nước, rất cần sự kết hợp giữa DN, cơ sở đào tạo và cả NLĐ. Có như vậy, NLĐ sẽ dễ tiếp cận việc làm, DN có nhân lực chất lượng cao, nhà nước sẽ ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư từ bên ngoài tốt hơn" - bà Lan phân tích.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)