“Ở các công ty khác, ngoài lương, công nhân (CN) còn được nhận thêm nhiều khoản phụ cấp như chuyên cần, nhà trọ, xăng xe… nhưng ở công ty chúng tôi, ngoài lương cơ bản, chỉ được phụ cấp thêm tiền ăn trưa 500.000 đồng/tháng. Đã vậy, mới đây công ty còn thông báo chỉ cần sản phẩm sót một cọng chỉ, CN sẽ bị trừ hết 15% tiền thưởng năng suất hằng tháng. Thu nhập đã thấp, nay lại bị cắt tiền thưởng, hỏi làm sao chúng tôi sống?”. Đây là lý do dẫn đến cuộc ngừng việc tập thể của CN Công ty B.Đ (quận 12, TP HCM) cách đây không lâu.
Tự “đập bể nồi cơm”
Không chỉ đòi tăng lương, tăng phụ cấp, trong đợt ngừng việc ấy, nghi ngờ ông L.F (người Úc), giám đốc công ty đối tác, mới là chủ doanh nghiệp thật sự, CN liền ra yêu sách buộc công ty phải mời ông L.F đến họp để làm rõ nghi vấn có phải ban lãnh đạo đã “bớt xén” tiền lương của CN và đơn giá sản phẩm hay không? Khi ông L.F không đến, một số CN kéo đến nơi ông ở để “hỏi cho ra lẽ”. Hành động ấy khiến vị giám đốc này vừa sợ hãi vừa bức xúc nên lập tức gửi email thông báo cắt hợp đồng với công ty. “Sau khi thông báo cắt hợp đồng, ông L.F bay về Úc, tôi cũng lập tức sang Úc để thuyết phục đối tác tiếp tục gia hạn hợp đồng nhưng không được. Ông L.F là khách hàng duy nhất, nếu thời gian tới không tìm được khách hàng mới, có lẽ tôi phải đóng cửa công ty” - bà Lương Thị Thúy Loan, giám đốc công ty, rầu rĩ.
Bà Loan cho biết do đơn hàng gia công là các sản phẩm quần áo được làm từ những nguyên vật liệu đắt tiền và được bảo hành suốt đời nên đối tác đặt ra yêu cầu rất khắt khe, chỉ cần phát hiện lỗi cực nhỏ, công ty phải bồi thường một khoản tiền lớn. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của đối tác, công ty đã bỏ chi phí đưa một số CN ra nước ngoài đào tạo. Không những vậy, để khuyến khích CN tăng năng suất, hạn chế sản phẩm lỗi, công ty quy định thêm mức thưởng 350.000 đồng/ tháng cộng với thưởng 15% năng suất cho những CN làm ra những sản phẩm đạt chất lượng.
Thế nhưng, dù có thưởng khuyến khích, suốt 10 tháng qua, số lượng hàng lỗi vẫn không giảm, thậm chí gần đây công ty phải bồi thường cả lô hàng cho đối tác vì may nhầm mã sản phẩm. “Chính vì lẽ đó, công ty buộc phải siết điều khoản thưởng với mong muốn CN làm việc cẩn trọng hơn. Chính sách này chưa kịp thực hiện thì CN đã ngừng việc. Hiện chúng tôi đang cho CN nghỉ chờ việc 2 tháng rồi tính tiếp” - bà Loan nói.
Không thấy lợi, chỉ thấy hại
Đòi quyền lợi theo hướng tiêu cực để rồi không chỉ đẩy công ty vào thế khó khăn mà bản thân người lao động cũng đối diện nguy cơ mất việc.
Cách đây ít lâu, khi công ty chậm trả lương một tuần, CN một công ty ở quận 9, TP HCM đã ngừng việc. Đang gặp khó khăn sau hàng loạt đơn hàng bị mất vì sản phẩm không đạt chất lượng, khi nghe tin CN rục rịch ngừng việc, bà T.V.A, giám đốc công ty, ra sức trấn an và yêu cầu CN tiếp tục làm việc để bảo đảm giao hàng đúng hạn, tránh các khoản bồi thường không đáng có. Thế nhưng, bất chấp lời kêu gọi của giám đốc, cuộc ngừng việc vẫn diễn ra.
Không dừng ở đó, một số CN quá khích còn gửi video, hình ảnh ngừng việc cho khách hàng của công ty ở nước ngoài. Kết quả, công ty bị lỗ nặng vì phải gánh thêm khoản bồi thường cho đối tác, đồng thời không chỉ một đơn hàng lớn sắp ký mà một số đơn hàng sẵn có vào thị trường Âu - Mỹ cũng bị mất. Hiện công ty chỉ còn vài đơn hàng nhận gia công lại từ các doanh nghiệp trong nước nên sản xuất cầm chừng, nhiều CN đã phải nghỉ việc vì không có việc làm. “Nửa năm nay tôi vừa phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền trả lương cho CN vừa tìm kiếm đơn hàng. Thế nhưng đi tới đâu, tôi cũng bị từ chối với lý do nếu giao đơn hàng cho một công ty có quan hệ lao động bất ổn thì sản phẩm sẽ không đáp ứng được tiêu chí “sạch” của các thị trường khó tính. Với đà này, không chóng thì chày, tôi phải đóng cửa công ty thôi” - bà V.A buồn bã nói.
Bình luận (0)