“Khi nhận ra chuyện buộc thôi việc đối với tôi là trái quy định, công ty đã đề nghị thương lượng. Nhưng thật bất ngờ, tại buổi hòa giải, công ty đã mang vợ tôi, đang là nhân viên tạp vụ của công ty, ra làm điều kiện thương lượng. Theo đó, nếu tôi đồng ý nghỉ việc và không kiện cáo thì công ty sẽ tiếp tục ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với vợ tôi, bằng không sẽ cho cô ấy nghỉ việc. Tại sao một công ty lớn mà lại có cách hành xử như thế?”. Anh Đặng Bá Hữu, nhân viên Công ty CP Dược phẩm V.D (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết.
Giận cá, chém thớt
Anh Hữu được công ty ký HĐLĐ thời hạn 3 năm từ 1-9-2011 đến 1-9-2014 làm nhiệm vụ bảo vệ tại nhà máy của công ty ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Dù HĐLĐ không thể hiện việc anh Hữu có trách nhiệm phải thu tiền điện, tiền nhà của những nhân viên sống trong khu lưu trú của công ty nhưng ông T.V.H, quyền trưởng phòng tổ chức - hành chính của công ty, vẫn yêu cầu anh ghi tiền điện, thu tiền nhà hằng tháng. Đây là công việc ông H. được công ty giao phụ trách với thù lao 250.000 đồng/tháng nhưng ông H. nhờ anh Hữu thu hộ không công từ tháng 8-2012. Hằng tháng, sau khi thu tiền, anh Hữu đều nộp đầy đủ cho ông H., có ký xác nhận.
Tuy nhiên khi nộp cho bộ phận kế toán, không hiểu vì sao ông H. lại nộp ít hơn khoản tiền thực thu. Tháng 9-2013, công ty phát hiện và cho rằng anh Hữu và ông H. bắt tay nhau chiếm dụng tiền của công ty. Khi sự việc vỡ lở, ông H. đã nhận toàn bộ lỗi về mình, đồng thời nộp bổ sung số tiền còn thiếu nhưng ngày 4-10-2013, công ty vẫn tổ chức họp hội đồng kỷ luật vắng mặt anh Hữu (do công ty không mời) và ra quyết định buộc anh thôi việc vào ngày 7-10-2013.
Bức xúc trước quyết định này, anh Hữu gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Không muốn lớn chuyện, công ty đề nghị thương lượng. “Ban đầu sợ cả 2 vợ chồng bị mất việc cùng lúc, cuộc sống sẽ khó khăn nên tôi đồng ý với đề nghị của công ty và yêu cầu công ty ký vào biên bản thỏa thuận để tránh lật lọng về sau. Do công ty không chịu ký nên thỏa thuận bất thành; sau đó, vợ tôi bị cho nghỉ việc vì HĐLĐ hết hạn dù trước đó công ty đã làm thủ tục để tái ký HĐLĐ với vợ tôi, thậm chí đã đưa bản HĐLĐ để vợ tôi tham khảo và ký trước” - anh Hữu nhớ lại.
Sau khi thương lượng không thành, anh đã khởi kiện Công ty CP Dược phẩm V.D ra tòa. Đầu tháng 6-2015, TAND quận Phú Nhuận, TP HCM đã tuyên buộc công ty phải bồi thường cho anh Hữu gần 90 triệu đồng vì cho anh thôi việc trái pháp luật.
Vợ làm, chồng chịu
Quản lý làm sai nhưng không sửa lại cố tình tìm mọi cách “chơi xấu” hay trả đũa nhân viên không phải là cá biệt. Chị Nguyễn Thị Mai- nhân viên tạp vụ của một siêu thị tại quận 7, TP HCM - cũng lâm vào cảnh tương tự. Hai tháng trước, do ông Phú, trưởng bộ phận vệ sinh, điều chuyển công việc của chị Mai trái quy định nên giữa hai bên xảy ra tranh cãi gay gắt. Cuối cùng, ông Phú đuối lý, phải hủy việc điều chuyển. Kể từ đó, ông luôn tìm cách gây khó cho chị Mai nhưng chị đều vượt qua được. Tức tối, ông Phú chuyển mục tiêu sang anh Trần Văn Thanh, chồng chị, nhân viên chăm sóc cây cảnh, cũng dưới quyền ông ta.
“Tất cả cây xanh trong và ngoài khuôn viên siêu thị chỉ có một mình chồng tôi chăm sóc. Vào mùa nắng nóng nếu tưới không kịp cây sẽ chết, vậy mà lúc chồng tôi đang tưới cây thì ông Phú kêu đi tỉa cành; nếu không đi thì bảo chống lệnh, mà làm theo ổng thì cây chết…” - chị Mai bày tỏ. Mới đây có 1 cây xanh chết, vợ chồng chị Mai đã mua 1 cây tương tự trồng thay vào nhưng ông Phú lại kêu anh Thanh vào phòng quát tháo, bắt viết kiểm điểm và bồi thường 20 triệu đồng (gấp 20 lần giá trị cây chết); nếu không, phải nộp đơn xin nghỉ việc. Với bản tính hiền lành, nhút nhát; hơn nữa vì không am hiểu pháp luật lại sợ mất việc nên anh Thanh phải ký vào giấy đồng ý bồi thường. Ký giấy xong vì quá uất ức, anh bị lên huyết áp và xỉu ngay tại phòng làm việc phải đưa đi cấp cứu.
Chưa hết, mới đây, lấy cớ thiếu người ở bộ phận chăm sóc cây, ông Phú đề xuất tuyển thêm người. Khi có nhân viên mới, ông Phú chuyển anh Thanh sang dọn dẹp nhà vệ sinh. “Khi tôi phản ứng thì ổng nói ổng có quyền phân công, ai thấy làm được thì làm, không làm được thì nghỉ. Bị ép như vậy, không biết chồng tôi có thể trụ được bao lâu nữa?” - chị Mai bức xúc.
Bình luận (0)