Tất cả đều bị tắc. Vậy tắc ở đâu? Cơ sở, các đơn vị đều đã kiến nghị, tuy nhiên đến nay mọi việc gần như vẫn giậm chân tại chỗ, đồng nghĩa với quyền lợi của hàng trăm ngàn lao động cũng đang bị... "treo".
Cả ký hồ sơ không bằng một tờ giấy A4!
Tính đến quý I/2017, các doanh nghiệp (DN) đang nợ BHXH lên tới 14.000 tỉ đồng, trong đó có đến 1.400 tỉ đồng nợ có khả năng mất trắng. Tất cả các hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH của tổ chức Công đoàn (CĐ) gần như bị trả lại, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị xâm phạm?
Ôm chồng hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH nặng gần cả ký, ông Nguyễn Văn Khải - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - cho biết: "Bấy nhiêu hồ sơ, giấy tờ, anh em của cơ quan BHXH, LĐLĐ quận, huyện chạy ngược xuôi rồi tòa thông báo trả hồ sơ là trả. Chỉ một tờ giấy A4".
Lấy bộ hồ sơ bất kỳ trong tập hồ sơ bị tòa án trả lại, ông Khải nói: "Để có một bộ hồ sơ như thế này đâu có đơn giản. Đơn cử như vụ kiện Công ty CP Nahi (quận 3, TP HCM) nợ BHXH hơn 1,19 tỉ đồng. LĐLĐ quận 3 phải gửi kèm đơn khởi kiện gồm có: Công văn số 295/LĐLĐ về việc xác nhận thành lập LĐLĐ quận 3, Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch LĐLĐ quận 3, giấy ủy quyền, chứng minh nhân dân của người được ủy quyền, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty CP Nahi, quyết định kết nạp đoàn viên Công ty CP Nahi, quyết định về việc thành lập CĐ cơ sở và chỉ định BCH và ủy ban kiểm tra CĐ cơ sở lâm thời Công ty CP Nahi; biên bản làm việc giữa LĐLĐ quận 3 và Cty CP Nahi; biên bản kiểm tra đối chiếu thu nộp BHXH của cơ quan BHXH quận 3 ngày 10-3-2016; thông báo kết quả đóng BHXH, BH thất nghiệp (BHTN) của cơ quan BHXH quận 3 ngày 1.11.2016; Công văn số 574/CV-BHXH ngày 3.11.2016 của BHXH quận 3 về thông tin đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN...
Từng người lao động tại Công ty TNHH Keo Hwa Vina ủy quyền cho LĐLĐ huyện Hóc Môn khởi kiện đòi lương, BHXH. Ảnh: L.T
Sau mấy tháng chuẩn bị hồ sơ, ngày 4.11.2016, LĐLĐ quận 3 nộp đơn khởi kiện lên TAND quận 3, đến ngày 21-11-2016, tòa thông báo trả lại đơn kiện với lý do: Căn cứ Điều 21 Luật BHXH thì Công ty CP Nahi có trách nhiêm đóng BHXH theo quy định pháp luật. Các hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, chậm đóng tiền BHXH, BHTN là những hành vi nghiêm cấm quy định tại khoản 1,2 Điều 17 của Luật BHXH. Căn cứ khoản 9 Điều 22 của Luật BHXH thì LĐLĐ quận 3 có quyền: "Xử lý vi phạm pháp luật hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT". Vì vậy, vụ án không thuộc thẩm quyền của tòa án theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nên tòa trả lại đơn khởi kiện cho LĐLĐ quận 3.
Vướng nhiều thủ tục
Vụ việc của LĐLĐ quận 3 kiện Cty CP Nahi là tình trạng chung của hầu hết các vụ CĐ kiện DN nợ BHXH hiện nay. Tại TP HCM, cơ quan này đã chuyển tổng cộng hơn 800 hồ sơ khởi kiện DN vi phạm chính sách BHXH, BHYT của NLĐ đề nghị LĐLĐ các cấp khởi kiện. Tuy nhiên, do tòa không thụ lý nên hầu hết hồ sơ này đang bị "treo", khiến quyền lợi cả trăm ngàn lao động bị ảnh hưởng. Đơn cử, BHXH quận 7 đã chuyển 20 hồ sơ qua LĐLĐ quận; BHXH huyện Củ Chi cũng đã chuyển 15 hồ sơ qua LĐLĐ quận…
Tại Đồng Nai, luật sư Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ (thuộc LĐLĐ tỉnh) - cho biết: Tính đến tháng 10.2016 có 67 DN nợ BHXH trên 6 tháng với số tiền 142 tỉ đồng. Sau khi làm việc thống nhất với cơ quan chức năng, LĐLĐ tỉnh sẽ kiện 12 DN và ủy quyền cho Trung tâm Tư vấn pháp luật thực hiện 6 vụ. Trong 6 vụ này thì 1 vụ rút đơn vì DN chủ động nộp tiền; 5 vụ còn lại, 4 vụ trả hồ sơ, 1 vụ chưa phản hồi.
Tại Bình Dương, cơ quan BHXH tỉnh này cho biết, số đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên là 711, số tiền nợ (bao gồm cả lãi chậm nộp) là 227 tỉ đồng; số đơn vị nợ khó đòi (giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn) là 134 với số tiền nợ (bao gồm cả lãi chậm nộp) là 27 tỉ đồng. Cơ quan này đã chuyển 13 hồ sơ qua LĐLĐ tỉnh để làm thủ tục khởi kiện nhưng đến nay tòa án chưa thụ lý bất kỳ hồ sơ nào.
"Đối với NLĐ, việc các hồ sơ kiện DN nợ BHXH bị "treo" sẽ khiến cho hàng trăm ngàn lao động không được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp, nghỉ chế độ… Từ đầu năm 2017 đến nay, ai cũng biết là việc khởi kiện này đã được giao cho tổ chức CĐ nhưng không kiện được. NLĐ cho rằng, CĐ không làm được, làm không tốt mà không hiểu rằng do vướng luật, vướng thủ tục. Uy tín của tổ chức CĐ bị ảnh hưởng bởi những điều không phải do tổ chức CĐ làm nên. Tôi cho rằng điều đó không công bằng. Hơn nữa, việc quản lý một DN, nắm bắt được tình trạng "sức khỏe" của DN ra sao, làm ăn thua lỗ, nợ nần… các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm rõ hơn hết và cần có biện pháp phối hợp, hỗ trợ để giải quyết" - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Nguyễn Văn Khải nói.
Bình luận (0)