Trong số nợ BHXH có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ kéo dài, nhiều khả năng bị mất trắng. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 190.000 lao động tham gia BHXH.
DN nợ BHXH như Chúa Chổm
Tại buổi tọa đàm về khởi kiện doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHXH vừa qua, ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Số nợ BHXH có giảm trong năm 2016 nhưng có xu hướng tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2017. Tính đến quý I-2017, các DN đang nợ lên tới 14.000 tỷ đồng, trong đó có đến 1.400 tỷ đồng nợ có khả năng mất trắng.
Khoản nợ này tập trung chủ yếu ở các DN thực sự gặp khó khăn hoặc đã giải thể, phá sản. Như vậy, quyền lợi của hơn 190.000 lao động tham gia BHXH sẽ không được bảo đảm trong khi trước đó, họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH. Ông Đào Việt Ánh cho biết thêm, hiện nay, nợ BHXH diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình DN, ở tất cả các khối cơ quan tham gia BHXH. "Nợ BHXH tập trung chủ yếu ở khối cơ quan ngoài quốc doanh. Riêng quý I-2017 có nhiều DN phải tham gia, nợ BHXH tương đối dài. Đơn cử như Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (TP HCM) nợ 28 tỷ đồng, Cty TNHH Nam Phương (TP Hồ Chí Minh) nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) nợ hơn 25 tỷ đồng…"-ông Ánh thông tin.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Qua những con số trên cho thấy tình trạng nợ BHXH ngày càng phức tạp. Cần phải tăng cường giải pháp thu nợ để bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong tương lai.
Bất cập trong quy định khởi kiện
Theo Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2016, tổ chức Công đoàn (CĐ) có quyền khởi kiện DN, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn một năm Luật BHXH có hiệu lực, tổ chức CĐ chưa khởi kiện thành công một vụ nào. Nguyên nhân được cho là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong 4 bộ luật, gồm Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật CĐ và Luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng...
Nhiều vụ ngừng việc xuất phát từ nguyên nhân doang nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài ảnh: CAO HƯỜNG
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: Đến nay đã có 11 LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố khởi kiện 77 DN nợ BHXH. Hiện nay có 17 hồ sơ tòa án không thụ lý với lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết; đây là tranh chấp lao động tập thể chưa được giải quyết ở cấp chủ tịch UBND cấp quận, huyện; không có giấy ủy quyền của tập thể ủy quyền cho tổ chức công đoàn.
Khởi kiện được kỳ vọng là công cụ để thu hồi nợ, hạn chế trốn đóng BHXH. Tuy nhiên trên thực tế, công cụ này chưa được sử dụng hiệu quả và mang lại kết quả tích cực. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, CĐ có chức năng khởi kiện nợ đọng BHXH vì CĐ đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, có sự không đồng bộ giữa hệ thống pháp luật. Nếu Điều 7 của Luật BHXH giao cho CĐ được quyền khởi kiện các vụ về BHXH thì trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng phải quy định CĐ được khởi kiện.
Sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện BHXH là nguyên nhân chính khiến việc khởi kiện của CĐ bế tắc. Để tổ chức CĐ khởi kiện và được tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, thế nhưng trong khi Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 thì Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 1-7-2016 mới có hiệu lực. Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, nhưng phải tạm dừng để chờ Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, thông qua.
CĐ là tổ chức duy nhất đại diện hợp pháp cho quyền lợi của người lao động (NLĐ) thì tổ chức CĐ có thể đứng ra khởi kiện. Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra ý kiến, nên giao cho CĐ cấp trên cơ sở chức năng khởi kiện mà không phải CĐ cơ sở nơi bị trốn đóng BHXH. Để làm được điều đó hoặc là phải sửa Luật BHXH, hoặc là có một cơ chế nào đó.
Đồng quan điểm, ông Mai Đức Chính cho biết, văn bản mới nhất của Tòa án Nhân dân Tối cao gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng có nêu vấn đề, nếu không tháo gỡ được vướng mắc thì BHXH Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải đề xuất sửa Luật BHXH. Trong đề xuất sửa lần này phải nói rõ CĐ cấp nào chứ không nêu CĐ chung chung. "Theo chúng tôi, chỉ có CĐ cấp trên mới đủ khả năng để đứng ra khởi kiện. Lúc đó, công đoàn cấp trên không cần phải theo ủy quyền của CĐ cơ sở hoặc NLĐ. Tức là giống như trước đây, BHXH khởi kiện như thế nào thì công đoàn cấp trên thực hiện như vậy, nhưng hồ sơ, thông tin thì BHXH chuẩn bị và cung cấp. CĐ cấp trên đứng ra ký đơn và cùng BHXH Việt Nam khởi kiện"-ông Mai Đức Chính nói.
Theo ông Mai Đức Chính, CĐ cơ sở hoàn toàn có thể được khởi kiện khi có sự ủy quyền của NLĐ, nhưng thực tế, chủ tịch CĐ cơ sở rất khó làm việc này. Hơn nữa, vấn đề ủy quyền cũng không đơn giản. Hiện nay theo quy định NLĐ muốn ủy quyền thì từng người một cùng với chủ tịch CĐ phải ra UBND xã, phường hoặc phòng công chứng làm giấy ủy quyền với lệ phí 130.000 đồng/người. Như vậy, đối với các DN có hàng nghìn lao động, việc này hết sức phức tạp. Khi có ủy quyền thì đây không còn là tranh chấp tập thể mà là tranh chấp cá nhân nên tòa án phải thụ lý cho từng vụ một.
Để tháo gỡ vấn đề này, ông Mai Đức Chính cho rằng, phải sửa Luật BHXH và quy định rõ CĐ cấp trên cùng với BHXH Việt Nam được quyền khởi kiện mà không cần thiết phải có sự ủy quyền của NLĐ. Chỉ khi nào có sự tranh chấp cá nhân giữa lao động với chủ DN hay cơ quan BHXH thì có thể ủy quyền cá nhân nhưng trường hợp đó không nhiều.
Bình luận (0)