Nhiều người trẻ đang ổn định với việc "làm công ăn lương" nhưng nhìn xung quanh bạn bè bỏ việc về làm chủ thì lại hoài nghi về con đường mình đang đi. Không ít người vì FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội) mà bỏ việc làm tốt, cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp để tự làm chủ.
Ôm nợ vì "máu" kinh doanh
Đang là trưởng phòng kinh doanh cho một doanh nghiệp thực phẩm quy mô khá lớn với mức lương nhiều người mơ ước, nhưng anh Đ.D.Q. (33 tuổi, quê Bình Dương) quyết định xin nghỉ việc để về mở một công ty cùng ngành.
Tám năm lăn lộn trong nghề buôn bán thực phẩm, anh Q. hiểu rõ mọi ngọn ngành từ đầu vào đến đầu ra, cách làm thị trường, tìm kiếm khách hàng, vận chuyển, kho bãi... "Tôi nghĩ dù có chức vụ, thu nhập cao nhưng cũng là đi làm thuê cho người ta. Trong khi bạn bè ai cũng ra riêng làm ăn rất khá, có đứa mở vài công ty. Tôi quyết tâm làm bởi thấy mình đủ hiểu ngành này" - anh Q. nói về lý do khởi nghiệp.
Nông sản là lĩnh vực được nhiều người “bỏ phố về quê” để khởi nghiệp
Cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 lắng xuống, anh gom hết vốn liếng, vay mượn thêm để thuê kho lạnh, mua xe tải và dùng nhà làm văn phòng. Vợ Q. cũng nghỉ làm công nhân may về phụ chồng thu chi trong công ty. Mọi việc tưởng chừng như đúng kế hoạch đã định, thì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới khiến thị trường giảm mạnh.
Mặt hàng của anh Q. chủ yếu là suất ăn công nghiệp song các nhà máy giảm nhân công, tiết kiệm chi phí nên lượng hàng xuất bán giảm mạnh, trong khi chi phí vận hành công ty, kho bãi và hàng tồn rất lớn. Xoay không kịp dòng tiền, công ty của Q. rơi vào khó khăn, công nợ khó đòi, vốn cạn. Không lường trước được tình huống nên mất dần đối tác. Hơn 1 năm hoạt động, anh Q. lỗ gần 3 tỉ đồng phải bán đất bán xe để trả nợ.
Cũng vì mong muốn được làm chủ mà chị N.T.T.T. (38 tuổi, quê Phú Yên) quyết định nghỉ việc để quyết tâm đưa thương hiệu nước mắm truyền thống gia đình đi khắp muôn nơi. Năm 2021, chị T. về quê để tránh dịch COVID-19 và làm việc từ xa. Lúc đó chị đang làm quản lý nhãn hàng cho một thương hiệu lốp xe của Hàn Quốc với mức lương 35 triệu đồng/tháng. Công việc đang thuận lợi nên khi chị bày tỏ ý định nghỉ việc để khởi nghiệp thì ba mẹ không đồng ý.
Hơn 7 tháng ở quê, chứng kiến gia đình làm nước mắm nhưng khó tiêu thụ, tình hình kinh doanh kém dần, "máu" khởi nghiệp trỗi dậy, chị T. cho thiết kế lại bao bì, đặt làm thêm máy chiết rót, nâng cấp nhà xưởng... với chi phí đầu tư cả tỉ đồng. "Tôi thuyết phục gia đình thay đổi nhiều thứ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và vào các siêu thị. Nhưng mọi thứ không đơn giản như tôi nghĩ. Gần 2 năm "làm chủ", đến nay càng làm càng lỗ và tôi bị stress nặng. Từ đứa con mang lại hãnh diện cho ba mẹ, giờ tôi thành gánh nặng cho họ" - chị T. nói.
Chậm mà chắc
Bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc Công ty CP Truyền thông số Flamingo (quận 1, TP HCM), cho biết nhiều văn phòng công sở cứ thỉnh thoảng lại nhận được tin một nhân sự nào đó xin nghỉ việc để về khởi nghiệp. Những câu chuyện đại loại như: "Anh B trưởng phòng nghỉ việc về mở quán ăn", "chị kế toán trưởng nghỉ việc về kinh doanh homestay"...
"Chưa bàn tới thành công hay thất bại nhưng làn sóng bài xích làm thuê và khuyến khích làm chủ đã ít nhiều ảnh hưởng đến quan niệm về sự nghiệp thành công trong bối cảnh hiện nay" - bà Khanh nói. Điều đó khiến nhiều người lầm tưởng việc khởi đầu một cái gì đó cũng dễ. Có người còn cho rằng người dám bỏ việc văn phòng để theo đuổi đam mê mới là người có chí lớn, còn những "người ở lại" làm công ăn lương là an phận và không có chí tiến thủ. Bà Khanh cho rằng dù làm công hay làm chủ cũng đều làm chủ công việc của mình và tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như cơ hội khác nhau.
Bà Bùi Thị Thủy Tiên, Tổng Giám đốc Vườn ươm Khởi nghiệp Việt, cho rằng khởi nghiệp là quá trình chông gai, chắc chắn ai cũng nếm trải nếu đi trên con đường đó. Một sự chuẩn bị chu đáo cả về năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh và vốn đủ lớn thì con đường đó ít gồ ghề hơn nhưng hãy nhớ rằng khởi nghiệp là cuộc chơi, "được ăn cả, ngã về không" là chuyện bình thường và phải chấp nhận.
Còn làm công ăn lương lại là một hành trình chậm mà chắc cho những ai biết tận dụng cơ hội để có một sự nghiệp vững bền. Trong giai đoạn đầu, làm công ăn lương chính là xây dựng nền tảng tài chính từ thu nhập ổn định. Khi lương cao lên, tích lũy được thì hãy học cách đầu tư để gia tăng số tiền, thỏa mãn tài chính cá nhân, rồi "an cư lạc nghiệp". Đi làm thuê là cơ hội để học hỏi, tìm kiếm những bí quyết nghề nghiệp sau này.
Ổn định tinh thần với những đồng nghiệp thân thiết cũng là thế mạnh khi làm công ăn lương, khó tìm được khi làm chủ. Các áp lực vì thế cũng nhẹ nhàng hơn, giúp người lao động (NLĐ) ổn định cuộc sống gia đình. 8 giờ mỗi ngày ở công sở chính là cơ hội để NLĐ trau dồi bản thân ngày một tiến bộ trong tập thể.
"Không phải ai cũng có tư duy kinh doanh, tiềm lực tài chính để bắt đầu làm chủ một thứ gì đó. Biết thế mạnh mình nằm đâu sẽ không còn băn khoăn với sự lựa chọn, nhìn nhận công tâm hơn trước sự biến đổi nhanh chóng của xã hội" - bà Tiên đánh giá.
Bình luận (0)