Hiện nhiều người bỏ phố về quê tìm cơ hội lập nghiệp, thay đổi môi trường sống, áp lực đã trải qua. Nhưng không phải ai cũng đạt được mục đích ban đầu với một cuộc sống an nhiên tại quê hương. Các chuyên gia khởi nghiệp cho rằng bỏ phố về quê sẽ nhận được nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro về chi phí nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.
Được và mất
Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Từ Đức Dũng quyết định đưa vợ con về quê sau 12 năm làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Anh Dũng cho biết trước đây cuộc sống công nhân vất vả, phải nuôi con nhỏ nên thiếu trước hụt sau. Đợt dịch bệnh bị mất việc, anh bàn với vợ về quê làm vườn, chăn nuôi.
Về quê lập nghiệp, vợ chồng anh Dũng chỉ có 10 triệu đồng tiết kiệm. Quảng Bình quê anh thời tiết khắc nghiệt nên trồng trọt không thuận lợi. Anh Dũng lên mạng xã hội (MXH) tìm hiểu cách nuôi lươn không cần bùn. Sau khi nắm rõ kỹ thuật, anh tự tin vay mượn hơn 100 triệu đồng cho mô hình tâm huyết này.
"Tôi đến mấy chỗ nuôi thành công để học hỏi, rồi lên MXH học cách tiếp thị bán hàng và may mắn được một doanh nghiệp (DN) ở Huế nhận bao tiêu đầu ra nên tôi mạnh dạn mở rộng mô hình. Hiện tôi nuôi khoảng 50.000 lươn thương phẩm, xoay vòng nên tháng nào cũng có lươn xuất bán" - anh Dũng cho hay.
Lê Thị Trà My (28 tuổi, quê Phú Yên) bỏ phố về quê khởi nghiệp thành công với mô hình homestay kết hợp du lịch nông nghiệp
Chị Lê Thị Hoa - vợ anh Dũng - từ một người "mù công nghệ" cũng đã lập kênh TikTok bán các đặc sản ở địa phương thu hút hàng chục ngàn người theo dõi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên cuộc sống của vợ chồng anh Dũng ngày một khá giả, tạo được công ăn việc làm cho 5 người thân.
Cũng quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp trong dịch COVID-19, chị Tưởng Thị Hòa (31 tuổi, quê Bến Tre) ban đầu buôn bán trái cây cung cấp cho các chợ đầu mối ở TP HCM. Tuy vất vả nhưng chị cũng kiếm được lợi nhuận hơn mức lương 12 triệu đồng khi còn là nhân viên kế toán. "Sau dịch nên ai cũng quan tâm sức khỏe, trái cây bán rất được. Nếu chỉ buôn bán trái cây giờ tôi không phải nợ nần như thế này" - chị Hòa buồn rầu nói.
Chị cho biết khi hết dịch, đầu năm 2022, nghe lời bạn bè, chị mở homestay tại quê để kinh doanh du lịch. Đất được ba mẹ cho mượn, vốn thì bạn bè hùn một ít. Tổng chi phí đầu tư gần 2,5 tỉ đồng, trong đó chị góp một nửa. Số tiền đó chị Hòa mượn sổ đất của gia đình vay ngân hàng. Làm xong thì hoạt động không ổn vì chị và các bạn đều không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Thấy không hiệu quả nên bạn rút vốn giữa chừng, chị Hòa phải vay thêm để trả cho bạn. Giờ chị ôm món nợ ngân hàng gần 2 tỉ đồng. Để có tiền trả nợ hằng tháng, chị tiếp tục buôn bán trái cây và nhận sổ sách của các DN nhỏ ở quê về làm báo cáo thuế, homestay cho một đơn vị khác, khai thác ăn chia theo hiệu quả kinh doanh.
Chọn hướng đi phù hợp
Nói về xu hướng bỏ phố về quê lập nghiệp, bà Bùi Thị Thủy Tiên, Tổng Giám đốc Vườn ươm khởi nghiệp Việt, cho rằng cuộc sống đô thị áp lực công việc ngày càng cao khiến không ít người bị stress. Do vậy, nhiều người muốn bỏ phố về quê lập nghiệp.
Mặt khác, internet tại Việt Nam rất phát triển, kết nối nhanh chóng và thuận lợi nên làm việc ở đâu cũng được. Ở nông thôn hiện cũng có nhiều đổi mới, với những cơ hội việc làm mở rộng, giúp người trẻ năng động tìm được hướng đi và phát triển sự nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình.
MXH phát triển cũng góp phần không nhỏ vào xu hướng này. Nhiều người trở về quê sinh sống, làm việc và chia sẻ cuộc sống an nhiên, vui vẻ. Khung cảnh sinh hoạt tại thôn quê lan truyền qua MXH cũng đánh vào tâm lý của nhiều người, nảy sinh ý muốn thích trải nghiệm của các bạn trẻ, đồng thời tạo nên một xu hướng mới.
Theo bà Tiên, mọi ý tưởng đều có rủi ro nên trước khi về quê, mọi người cần có kế hoạch càng chi tiết càng tốt. Nhất là sự chuẩn bị về tài chính để duy trì cuộc sống và vốn để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, học cách quản lý tài chính để hiểu rõ hơn về dòng tiền cũng như cách đầu tư sao cho hiệu quả và phù hợp.
"Về quê là xác định dùng sức khá nhiều để bắt đầu sự nghiệp nên rất cần sức khỏe, bởi thể chất yếu rất khó để làm việc. Ngoài ra, tâm lý cũng phải vững vàng để kiên định theo đuổi mục tiêu, vượt qua những rào cản định kiến" - bà Tiên khuyên.
Bà Huỳnh Hoài Thanh, người sáng lập Thanh Jasmine - Hoi An Private Tour, cho biết có rất nhiều công việc để người lao động có thể khởi nghiệp ở quê. Trong đó, có việc đưa nông sản vùng miền lên tầm cao mới theo hướng xanh, sạch, hữu cơ và bán trên các nền tảng số. Làm du lịch sinh thái với những homestay là nhà dân, kết hợp sản vật và phong cảnh sẵn có tại địa phương.
Hai hình thức này đã có nhiều người làm thành công trong vài năm gần đây và thu hút một lượng khách hàng cũng như du khách biết đến ngày một nhiều. "Kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt và cách tiếp thị, bán hàng... đều có sẵn trên sách báo, YouTube hoặc các kênh MXH của những người thành công. Quan trọng là chọn hướng đi nào phù hợp nhất với năng lực, với thực tế địa phương" - bà Thanh nói.
Bình luận (0)