"Đến kỳ lương, công ty không trả nên tôi thắc mắc. Công ty lấy lý do lương của tôi phải do một công ty trung gian chi trả, nhưng sau đó tôi cũng không nhận được tiền lương. Mong các cơ quan chức năng can thiệp để tôi đòi được quyền lợi". Ông L.T.Tr (quận 4, TP HCM), nguyên trưởng văn phòng đại diện (VPĐD) tại Việt Nam của Công ty Reckitt Benckiser (Thái Lan), vừa gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng TP HCM.
Nai lưng làm không công
Năm 2014, ông Tr. được Công ty Reckitt Benckiser nhận vào làm trưởng VPĐD tại Việt Nam, với mức lương hơn 120 triệu đồng/tháng. Đến kỳ lương, Công ty Reckitt Benckiser hứa sẽ trả lương cho ông Tr. qua một công ty trung gian. Tin tưởng Reckitt Benckiser là công ty lớn, có uy tín nên ông Tr. tiếp tục làm việc. Đến tháng 11-2015, ông Tr. xin nghỉ việc và được công ty chấp thuận. "Trong quá trình làm việc, sau khi kết thúc công việc tôi đã nhiều lần đề nghị công ty thanh toán tiền lương nhưng lúc nào cũng nhận được lời hứa. Đến nay Công ty Reckitt Benckiser vẫn chưa thanh toán tiền lương cho tôi" - ông Tr. bức xúc.
VPĐD của Công ty Reckitt Benckiser và đơn khiếu nại của ông L.T.Tr gửi Báo Người Lao Động. Ảnh: PHƯƠNG ANH
Tiếp nhận phản ánh của ông Tr., ngày 7-6, phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc với bà Nguyễn Tường Linh, trợ lý của ông Sajjapong Saphakkul, Trưởng VPĐD Công ty Reckitt Benckiser tại TP HCM, thì được trả lời trưởng đại diện đang đi du lịch, sẽ trả lời báo sau. Ngày 8-8, chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Tường Linh thì được trả lời đã báo với trưởng đại diện nhưng chưa thấy phản hồi!
Bị quỵt gần 2 tỉ tiền lương
Qua nghiên cứu hồ sơ của ông Tr., luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Kao Kiến, cho rằng giữa ông Tr. và Công ty Reckitt Benckiser đã hình thành quan hệ lao động, căn cứ là thư bổ nhiệm có hiệu lực từ thời điểm VPĐD tại Việt Nam của Công ty Reckitt Benckiser được cấp phép hoạt động.
Mặc dù trên thực tế giữa ông Tr. và Công ty Reckitt Benckiser không ký hợp đồng lao động cụ thể, nhưng nội dung của thư bổ nhiệm xác định đầy đủ nội dung và quyền hạn của ông Tr. trong vai trò là người đại diện, trưởng VPĐD tại Việt Nam của Công ty Reckitt Benckiser. Ngoài ra thư bổ nhiệm còn quy định về mức lương sau thuế của ông Tr. Như vậy quan hệ lao động giữa ông Tr. và Công ty Reckitt Benckiser đã được xác lập.
Trong quá trình thực hiện quan hệ lao động thì ông Tr. có làm đơn xin từ chức và được chấp thuận bằng văn bản từ phía Công ty Reckitt Benckiser, như vậy quan hệ lao động được xác định là do hai bên tự nguyện thỏa thuận chấm dứt.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc quan hệ lao động thì hai bên lại phát sinh tranh chấp về tiền lương xuất phát từ thư bổ nhiệm. Cụ thể, ông Tr. đã có các văn bản yêu cầu phía Công ty Reckitt Benckiser phải thanh toán toàn bộ tiền lương trong thời gian làm trưởng VPĐD tại Việt Nam của Công ty Reckitt Benckiser, số tiền là 1.948.450.000 đồng (thu nhập sau thuế).
Thời điểm ông Tr. chấm dứt quan hệ lao động với Công ty Reckitt Benckiser là từ tháng 11-2015, sau thời gian này ông Tr. nhiều lần yêu cầu phía Công ty Reckitt Benckiser phải thanh toán số tiền lương còn nợ nêu trên nhưng không được thực hiện.
Nên kiện ra tòa
Ông L.T.Tr đã liên hệ với nhiều nơi để nhờ hỗ trợ đòi quyền lợi. Các nơi này cho rằng để bảo vệ quyền lợi của mình, liên quan đến khoản tiền công theo thư bổ nhiệm, ông Tr. nên kiện Công ty Reckitt Benckiser tại TAND TP HCM. Cùng với việc khởi kiện, ông Tr. cần đề nghị tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Muốn được như thế ông Tr. cần phải xác định các tài sản cụ thể của Công ty Reckitt Benckiser tại Việt Nam bằng sự trợ giúp, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan nhà nước khác như hải quan, thuế, lao động …
Luật sư Cao Thế Luận cho biết có một trường hợp cũng làm việc cho VPĐD nhưng may mắn hơn ông Tr. Khi bị VPĐD Công ty SLBH (có trụ sở ở Mỹ) cho nghỉ việc trái pháp luật, anh Trần Văn Vĩnh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) một mặt nhờ cơ quan thẩm quyền ở Việt Nam can thiệp, một mặt gửi đơn khiếu nại đến trụ sở công ty. Sau đó, anh Vĩnh đã được công ty này giải quyết quyền lợi.
Theo một thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, việc các VPĐD, chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam không chấp hành các quy định pháp luật Việt Nam xảy ra rất nhiều. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần lưu ý: thỏa thuận phải rõ ràng, cụ thể về tiền lương, ngày trả lương, hình thức trả lương… và các quyền lợi khác. Ngoài ra, khi xảy ra vụ việc, người lao động có thể gửi đơn đến thanh tra Sở LĐ-TB-XH, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước công ty có trụ sở để được can thiệp kịp thời.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, đề nghị ông L.T.Tr gửi đơn đến sở để được xem xét can thiệp.
Bình luận (0)