Mấy ngày gần đây, công nhân (CN) tại một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM liên tục có thắc mắc về chính sách BHXH. Nhiều CN cho rằng việc áp dụng Luật BHXH mới sẽ gây nhiều bất lợi, đặc biệt là bắt đầu từ năm 2018, người lao động (NLĐ) muốn được hưởng mức lương hưu đạt 75% thì phải kéo dài thời gian đóng BHXH. Một số CN còn kiến nghị: Khi NLĐ đóng đủ 20 năm BHXH nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu, đề nghị BHXH cho phép NLĐ được phép chọn lựa bảo lưu cho đến tuổi hưu hoặc được rút một lần.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Người Lao Động đã đã ghi nhận ý kiến của các cơ quan chức năng và đội ngũ Công đoàn (CĐ) cơ sở.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM:
Xem xét, điều chỉnh chính sách BHXH với lao động nữ
Việc thay đổi chính sách lương hưu là một trong các giải pháp Quốc hội thông qua nhằm hướng đến mục tiêu tiến tới việc cân đối giữa đóng và hưởng. Nghĩa là để cân đối giữa thời gian đóng - hưởng thì lao động nam phải đóng BHXH 35 năm và nữ đóng BHXH 30 năm mới đạt được mức hưởng tối đa là 75% (hiện nay, nam đóng 30 năm, nữ 25 năm sẽ được hưởng mức đối đa 75%). Tuy nhiên, đối với lộ trình giảm dần 2% đối với nam theo quy định là phù hợp nhưng đối với lao động nữ (thực hiện từ năm 2018) là hơi đột ngột.
Do vậy, UBND TP HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam điều chỉnh chính sách về BHXH đồng bộ với chính sách về lao động trong Bộ luật Lao động. Theo đó, UBND TP kiến nghị việc tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài hoặc chỉ áp dụng đối với những trường hợp NLĐ tham gia lực lượng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH có hiệu lực; quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm...
Nếu cần tư vấn chính sách BHXH, công nhân có thể liên hệ Công đoàn cơ sở Ảnh VĨNH TÙNG
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM:
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng CN
Thời gian qua, có nhiều CN tại các doanh nghiệp (DN) rất quan tâm đến chính sách BHXH. Vấn đề CN quan tâm nhiều nhất là việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng như điều kiện để hưởng lương hưu. Khi có thắc mắc, họ đều được CĐ cơ sở tư vấn, giải thích, nhờ vậy rất an tâm làm việc. Thế nhưng, có một số trang báo mạng đã đưa thông tin không chính xác, cho rằng số đông CN rất hoang mang với chính sách BHXH hiện tại. Chúng tôi khẳng định đây là thông tin bịa đặt. Qua nắm tình hình thực tế, chúng tôi được biết hoạt động các DN có đông CN vẫn rất ổn định và không có hiện tượng CN nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt.
LĐLĐ quận đã chỉ đạo các CĐ cơ sở trực thuộc nắm chắc tâm tư, nguyện vọng CN và chủ động tập hợp kiến nghị cho LĐLĐ quận và các cơ quan chức năng quận.
Trong các ngày trong tuần, nếu có thắc mắc về chế độ chính sách, CN có thể liên hệ Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ quận (số điện thoại: 3.8750900) để được tư vấn cụ thể.
Đại diện LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM khẳng định không có hiện tượng CN nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt vì chính sách BHXH Ảnh: VĨNH TÙNG
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân):
Cử cán bộ Công đoàn tiếp CN hằng ngày đến 20 giờ
Những ngày gần đây, CĐ cơ sở liên tục nhận được thắc mắc của CN về chính sách BHXH. Đối với những thắc mắc liên quan đến chế độ chính sách, CN có thể phản ánh trực tiếp đến CĐ cơ sở. Văn phòng CĐ công ty thường xuyên bố trí cán bộ tiếp CN (từ 7 giờ đến 20 giờ hằng ngày, trừ chủ nhật). Hoặc CN có thể liên hệ trực tiếp với số điện thoại cá nhân của tôi (0903660183). Nếu muốn giải đáp sâu hơn về chính sách, CN có thể liên hệ đường dây nóng của cơ quan BHXH TP HCM (3.9979039).
Ở các xưởng sản xuất, CN có thể đề đạt nguyện vọng thông qua ban giám đốc xưởng hoặc các tổ trưởng CĐ. Tất cả kiến nghị của anh em CN sẽ được CĐ cơ sở tập hợp và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết
Tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc: Nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài
UBND TP HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam điều chỉnh chính sách về BHXH đồng bộ với chính sách về lao động trong Bộ luật Lao động.
Cụ thể, UBND TP kiến nghị việc tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài, hoặc chỉ áp dụng đối với những trường hợp NLĐ tham gia lực lượng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH có hiệu lực; quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm...
Trước đó, Luật BHXH 2014 quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối đa. Cụ thể, từ ngày 1-1-2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.
Đối với lao động nam, hiện đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1-1-2018, lao động nam phải đóng đủ 16 năm để hưởng mức trên. Đến năm 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì 30 năm như hiện nay.
Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%.
Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, NLĐ đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%.
Điều 56 Luật BHXH 2014 quy định:
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Bình luận (0)