Đó là khuyến cáo của BCH CĐ cơ sở một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài ở KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM) khi đối thoại với ban giám đốc mới đây.
Bản TƯLĐTT vừa được công ty ký đầu năm 2104 quy định rất rõ các khoản phụ cấp tay nghề, năng suất, chuyên cần. Giữa tháng 10-2014, lấy lý do khó khăn, công ty thông báo sẽ giảm 50% các khoản phụ cấp này. Lo ngại CN bức xúc dẫn đến ngừng việc, CĐ cơ sở đề nghị được đối thoại với ban giám đốc để làm rõ. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo DN viện đủ lý do để lý giải nguyên nhân cắt giảm các khoản phụ cấp song lý lẽ ấy đã không thuyết phục được CĐ cơ sở. Bực mình, giám đốc công ty đập bàn quát: “DN không phải là nơi làm từ thiện”.
Bức xúc trước thái độ của lãnh đạo DN song các thành viên BCH CĐ vẫn kiên trì giải thích, khuyến cáo công ty không nên đột ngột thay đổi nội dung TƯLĐTT bởi điều này sẽ khiến tâm lý CN bất an. Theo BCH CĐ cơ sở, TƯLĐTT được xây dựng trên cơ sở đồng thuận giữa tập thể lao động mà đại diện là CĐ cơ sở và ban giám đốc. Ở đây không có khái niệm xin xỏ, do vậy, ban giám đốc nói ban ơn cho CN là không hợp tình. Do DN tiếp tục phớt lờ nên CĐ cơ sở phải báo vụ việc lên CĐ cấp trên. Sau khi CĐ cấp trên can thiệp, phía công ty mới rút lại quyết định.
Đề cập vấn đề này tại hội nghị tập huấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định: “TƯLĐTT có ý nghĩa như bộ luật con tại DN và nếu thực hiện nghiêm túc thì quan hệ lao động sẽ ổn định. Ký kết mà không thực hiện đúng thỏa thuận thì lỗi hoàn toàn thuộc về DN”. Từ thực tế ấy, bà Hồng lưu ý CĐ cấp trên cơ sở hỗ trợ CĐ cơ sở ký kết TƯLĐTT với tinh thần “4 thật”: đối tác thật, thương lượng thật, ký kết thật và thực hiện thật.
Bình luận (0)