Phạm Thanh Thư (quận Bình Thạnh, TP HCM) hỏi: "Tôi là viên chức đang làm việc tại khoa dược của một bệnh viện từ năm 2011. Năm 2014 tôi tự đăng ký thi liên thông đại học và trúng tuyển. Mặc dù thời gian học không ảnh hưởng công việc và mọi chi phí học do tôi tự đóng nhưng bệnh viện vẫn yêu cầu tôi ký cam kết đào tạo. Theo đó, sau khi tốt nghiệp phải làm việc tại bệnh viện 5 năm, nếu không phải bồi thường. Vừa qua, vì lý do cá nhân tôi xin nghỉ việc và bệnh viện đã dựa vào bản cam kết này để yêu cầu tôi bồi thường. Trường hợp của tôi có phải trả bồi thường cho bệnh viện không?".
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trả lời: Căn cứ khoản 4, điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo khi: trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập; viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định. Điều 35 của Nghị định này cũng quy định kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được chi trả từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Đối chiếu với quy định trên, bà Thư không thuộc diện được đơn vị cử đi học và chi phí đào tạo cũng không được chi trả từ nguồn tài chính của đơn vị.
Do đó, nếu bà Thư xin thôi việc đúng quy định thì bệnh viện không có cơ sở yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo.
Bình luận (0)