"Tôi làm việc cho công ty hơn 15 năm nhưng không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và đóng các khoản bảo hiểm. Đến khi công ty ngừng sản xuất, tôi phải nghỉ việc nhưng không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì". Anh Phạm Văn Dũng, nguyên là công nhân Công ty L. N (quận Tân Phú , TP HCM), cho biết như vậy khi gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Do không có HĐLĐ nên vụ việc của anh kéo dài, đến giờ vẫn chưa có kết quả.
Lãnh đủ thiệt thòi
Lý do anh Dũng không quyết liệt yêu cầu chủ ký hợp đồng là vì sợ bị cho nghỉ việc. "Có lần tôi hỏi vụ hợp đồng thì chủ bảo cứ làm đi, từ từ rồi sẽ ký và đóng bảo hiểm cho cả quá trình. Tôi tin nên không hỏi nữa. Mặt khác, tôi cũng sợ hỏi hoài người ta bực mình cho nghỉ việc thì sẽ rất khó khăn vì còn phải nuôi vợ con" - anh Dũng trần tình. Kết quả là khi anh Dũng bị mất việc, đau ốm bệnh tật, gia cảnh ngặt nghèo thì chủ phủi tay với lý do không có hợp đồng.
Người lao động nhờ cơ quan chức năng can thiệp đòi quyền lợi liên quan đến hợp đồng lao động Ảnh: PHẠM DŨNG
Theo quy định, nếu không phải công việc thời vụ ngắn hạn, người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ bằng văn bản với người lao động (NLĐ). Tuy nhiên trong thực tế, các trường hợp làm việc không HĐLĐ diễn ra khá phổ biến và gây nhiều thiệt hại cho NLĐ về sau như trường hợp anh Dũng.
Tương tự, anh Dương Xuân Nghĩa, làm việc cho công ty bảo vệ T.L.H.N có chi nhánh ở quận 10. Anh được nhận vào vị trí giám sát các địa bàn, mục tiêu bảo vệ; điều động nhân viên và tuyển nhân sự làm công nhật khi thiếu người đột xuất. Làm được 3 tháng thì công ty bắt đầu nợ lương. Cố gắng cầm cự thêm 3 tháng nữa, chịu hết nổi anh đành nghỉ việc. Công ty lấy lý do anh nghỉ ngang nên không trả lương. "HĐLĐ tôi đã ký rồi nhưng công ty lấy lý do sếp đi công tác xa, từ từ rồi sẽ ký. Tôi chỉ hỏi một lần rồi thôi vì sợ xảy ra tranh chấp thì khó làm việc. Vậy mà cuối cùng công ty không trả lương, cũng không trả các khoản tôi đã tạm ứng để trả cho lao động công nhật. Khi đi khiếu nại, trong tay tôi chỉ có tờ giấy ghi tiền lương; không ai ký tên, đóng dấu nên cơ quan chức năng không giải quyết" - anh Nghĩa than thở.
Thiệt hại trước mắt và lâu dài
Mới đây, chị Nguyễn Thị Hương đã thua kiện, bị mất việc làm chung quy cũng vì không có HĐLĐ. Sau 2 tháng thử việc, không thấy công ty thông báo kết quả, chị hỏi thì được trả lời là chờ tổng công ty có ý kiến. Chờ hết tháng thứ ba mà vẫn chưa thấy công ty ký hợp đồng chính thức, tiền lương thì vẫn là lương thử việc. Đột nhiên, sang tháng thứ tư, công ty yêu cầu chị nghỉ việc ngay. "Trong thực tế, tôi được tuyển dụng đàng hoàng, có hợp đồng thử việc. Tôi đã rời một công ty phúc lợi khá tốt để sang công ty này vì muốn thay đổi môi trường làm việc, hơn nữa công việc ở công ty mới tôi cũng thích nên muốn gắn bó lâu dài. Thế mà họ trù trừ không ký hợp đồng khi hết hạn thử việc rồi đột ngột cho nghỉ việc. Tôi đi kiện thì bị tòa xử thua; đành ngậm đắng, nuốt cay" - chị Hương cho biết.
Việc người sử dụng lao động không ký HĐLĐ gây ra rất nhiều thiệt hại cho NLĐ trước mắt và về sau. Do đó, Bộ Luật Lao động và các văn bản dưới luật xác định rõ thời hạn và trách nhiệm của các bên trong việc giao kết HĐLĐ bằng văn bản. "Trong hầu hết các trường hợp, NLĐ ở thế yếu hơn nên không dám yêu cầu, không dám gửi đơn khiếu nại khi không được ký hợp đồng vì lo ngại quan hệ lao động sẽ xấu đi, khó làm việc với nhau. Đây là thực tế thường thấy. Trong tình huống này, NLĐ phải hết sức khéo léo, tìm cách thu thập và giữ các giấy tờ chứng tỏ mối quan hệ trong công việc của mình tại doanh nghiệp như giấy trả lương, giấy phân công công việc, thẻ chấm công, thẻ nhân viên… Khi có tranh chấp phải ra tòa, nhận thức NLĐ ở thế yếu hơn, tòa sẽ xét xử trên tinh thần có lợi cho NLĐ" - luật sư Đoàn Văn Nên (Hội Luật gia quận 6, TP HCM) khuyên.
Ở một khía cạnh khác, theo luật sư Nguyễn Thị Nam Giao (Công ty Luật Nam Giao), khi NLĐ đang làm việc, họ rất ngại nêu ý kiến thắc mắc, khiếu nại vì sợ bị "đì". Song quy định kiểm tra, xử phạt hành chính trong trường hợp doanh nghiệp không ký HĐLĐ lại quá nhẹ. "Chính vì vậy, ngoài việc phạt hành chính, cần quy định chặt chẽ hơn về việc khắc phục hậu quả của hành vi không ký HĐLĐ; phải bồi thường những thiệt hại mà người sử dụng lao động gây ra cho NLĐ khi không ký hợp đồng" - luật sư Giao đề xuất.
Bình luận (0)