Nhiều ngày qua, gần 100 công nhân (CN) Công ty TNHH Tashuan (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc; KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) ngừng việc tập thể, tập trung trước cổng công ty để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa có giải pháp khả thi để giải quyết các quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ).
Nợ BHXH gần 7 tỉ đồng
Vụ việc bắt đầu từ ngày 24-10, khi ông Huang Kai Shiang, tổng giám đốc công ty, thông báo cho CN nghỉ 3 ngày/tuần do doanh nghiệp (DN) hết hàng và tài chính gặp khó khăn. Từ ngày 24-10 đến 5-11, CN chỉ làm việc 3 ngày/tuần, riêng các ngày nghỉ sẽ hưởng 70% lương. Sau ngày 5-11, công ty sẽ tạm đóng cửa cho tới khi có đơn hàng trở lại.
Do thông báo không nói rõ thời điểm DN hoạt động trở lại, đặc biệt là không đề cập việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ nghỉ việc, ngừng việc khiến tập thể CN bức xúc. Thêm vào đó, công ty đang nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ từ tháng 11-2019 đến nay với số tiền gần 7 tỉ đồng. Dù ban giám đốc đã đưa ra phương án trả nợ trong vòng 10 tháng nhưng không nhận được sự đồng thuận của NLĐ. Tình trạng nợ BHXH kéo dài khiến CN thiệt thòi vì không được hưởng các chế độ liên quan.
CN Lê Thị Mộng Xuyên cho hay chị tham gia BHXH từ năm 2006, sinh con vào tháng 1-2021, đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản. "Thời điểm nghỉ sinh con, do không có thu nhập lại ở trọ nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi đã nhiều lần đề nghị công ty giải quyết chế độ thai sản nhưng chỉ nhận được lời hứa suông" - chị Xuyên bức xúc. Còn ông Trần Văn Hòa làm việc ở công ty hơn 20 năm, đủ điều kiện nghỉ hưu vào tháng 6-2022 nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ.
Ngoài số CN đang làm việc, nhiều lao động đã nghỉ việc cũng đang bị treo quyền lợi. CN Nguyễn Thị Liêu cho hay chị làm việc tại công ty từ năm 2003, nghỉ việc từ tháng 3-2022 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc và trả sổ BHXH nên không thể hưởng trợ cấp thất nghiệp. "Dù nộp đơn xin nghỉ từ tháng 10-2021 nhưng tôi vẫn tiếp tục đi làm cho đến tháng 3-2022 với mong muốn được công ty giải quyết chế độ song vẫn trắng tay. Chúng tôi không tin DN gặp khó khăn vì ông chủ vẫn mở 2 công ty khác tại tỉnh Long An" - chị Liêu nói.
Công nhân túc trực trước cổng Công ty TNHH Tashuan để đòi quyền lợi nhiều ngày qua. Ảnh: MAI CHI
Chưa có hướng giải quyết
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Sỹ Khương, Giám đốc hành chính - nhân sự Công ty TNHH Tashuan, thừa nhận công ty đã sai khi vẫn khấu trừ lương hằng tháng nhưng không tham gia BHXH, BHYT đầy đủ cho NLĐ.
Theo ông Khương, DN gặp khó khăn từ năm 2016 khi bị cháy lô nguyên vật liệu trị giá khoảng 50 tỉ đồng tại kho hàng ở tỉnh Long An. Thêm vào đó, gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và liên quan vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn (đang bị Chi cục Thi hành án dân sự TP HCM niêm phong tài sản để bảo đảm thi hành án với số tiền 27 tỉ đồng) dẫn đến mất đơn hàng, nên công ty gặp khó khăn về tài chính.
Thời gian qua, DN đã cố gắng tìm kiếm đơn hàng, duy trì hoạt động để bảo đảm việc làm cho NLĐ nhưng vẫn không khả thi do đó phải tạm ngừng hoạt động 3 tháng. Sau thời gian này nếu vẫn không có đơn hàng, công ty sẽ giải quyết cho NLĐ nghỉ việc theo quy định pháp luật. Đối với khoản nợ BHXH của NLĐ, trước đây công ty đã đề nghị BHXH quận Bình Tân được truy nộp theo lộ trình 10 tháng, sau đó rút ngắn còn 3 tháng. Trong thời gian đó, dự kiến mỗi tháng công ty thanh toán cho cơ quan BHXH hơn 1 tỉ đồng để chốt sổ cho khoảng 20-25 CN/đợt. Đối với khoản trợ cấp thôi việc khoảng 1,2 tỉ đồng, ông Khương cho biết công ty sẽ thanh toán cho NLĐ sau khi giải quyết xong nợ BHXH.
Cũng theo ông Khương, do CN ngừng việc nên công ty phải chuyển một số khuôn mẫu, máy móc đến nơi khác để gia công số lô hàng còn lại, song bị bảo vệ KCN Tân Tạo ngăn chặn. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Hạ tầng KCN Tân Tạo, do Công ty TNHH Tashuan đang nợ khoảng 1 tỉ đồng phí duy tu cơ sở hạ tầng nên không thể đưa máy móc ra ngoài.
Cần có lộ trình thanh toán chế độ cho người lao động
Tại buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Tashuan chiều 27-10, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, đề nghị công ty phải có báo cáo bằng văn bản về tình hình khó khăn, các khoản nợ BHXH, lương NLĐ (nếu có), phương án, lộ trình tiến độ thanh toán các khoản nợ BHXH, chế độ nghỉ việc của NLĐ. Bên cạnh đó, công ty phải cung cấp các tài liệu liên quan đến lô hàng cần xuất; cam kết về thanh toán BHXH... để ban quản lý có cơ sở làm việc với ITACO, hỗ trợ hoạt động sản xuất của công ty.
Bình luận (0)