Mười lăm năm qua, nhân sự Ban Chấp hành Công đoàn tại Công ty TNHH Ampfield (100% vốn nước ngoài; KCN Tân Bình, TP HCM) hầu như không thay đổi bởi luôn nhận được sự tín nhiệm của tập thể lao động và ban giám đốc. Trong mọi hoàn cảnh, Công đoàn công ty đều nói lên tiếng nói của đoàn viên - lao động và sẵn sàng đấu tranh vì quyền lợi của họ.
Cởi mở, chân tình
Lèo lái "con thuyền" Công đoàn Công ty TNHH Ampfield gần 15 năm qua, bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho rằng ở doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, để người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động hiểu nhau hơn thì đối thoại là giải pháp căn cơ nhất.
Dịch COVID-19 kéo dài đã đẩy Ampfield vào khủng hoảng, nhiều lần phải tạm đóng cửa, di dời nhà xưởng, thậm chí thu hẹp sản xuất. Cạn kiệt tài chính khiến DN gặp khó khăn trong việc chi trả lương và trích nộp các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Có những thời điểm, giám đốc công ty thừa nhận không có khả năng vừa trả lương vừa đóng BHXH cho NLĐ. Ưu tiên trả lương hay đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ là 2 vấn đề then chốt được nêu ra tại các buổi đối thoại giữa Công đoàn và ban giám đốc.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina Industrial, tặng vàng cho công nhân có thành tích lao động xuất sắc
Sau khi tham khảo ý kiến NLĐ cũng như phân tích, cân nhắc các mặt lợi - hại của mỗi phương án, Công đoàn công ty đã đề xuất phương án phải trích nộp đầy đủ bảo hiểm cho NLĐ. "Thời điểm đó dịch bệnh phức tạp, vì vậy việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho NLĐ có ý nghĩa sống còn. Chưa hết, DN nợ bảo hiểm cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khác của NLĐ nếu chẳng may bị mất việc" - bà Sáu lý giải.
Sau đối thoại, lãnh đạo Công ty TNHH Ampfield đã cam kết xoay xở mọi cách để trả lương cho NLĐ trong thời gian sớm nhất. Với sự nhạy bén của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, đến nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty đã dần hồi phục. Mới đây, ban giám đốc đã quyết định tăng 6% đơn giá tiền công để cải thiện thu nhập cho NLĐ.
Nhìn lại giai đoạn khó khăn vừa qua, bà Sáu tâm sự: "Được đoàn viên tin yêu, DN nể trọng là hạnh phúc của cán bộ Công đoàn. Do vậy, tôi không muốn để họ thất vọng".
Lợi ích của người lao động là trên hết
Là DN có đến 36.000 lao động, mỗi chính sách được Công ty CP Taekwang Vina Industrial (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đưa ra đều ảnh hưởng lớn đến cả DN và NLĐ. Vì vậy, mọi vấn đề liên quan quyền lợi của NLĐ đều được ban giám đốc thảo luận và tham khảo ý kiến của Công đoàn cơ sở.
Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina Industrial, thương lượng tập thể là giải pháp để Công đoàn khẳng định vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên, đừng để DN nghĩ rằng Công đoàn chỉ biết đòi hỏi mà song song đó, Công đoàn phải chứng minh được kết quả thương lượng cũng có lợi cho DN.
Từ tháng 7-2022, đơn hàng của Công ty CP Taekwang Vina Industrial sụt giảm nghiêm trọng. Lúc ấy, ban giám đốc đã tính đến phương án tái cấu trúc, có thể cắt giảm lao động và yêu cầu đối thoại với Công đoàn. Ông Phúc rất trăn trở, làm sao thuyết phục DN không cắt giảm lao động vì giai đoạn đó nếu mất việc, NLĐ rất khó tìm việc mới. Còn nếu DN tạm ngưng sản xuất, NLĐ sẽ không có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Để giữ việc làm cho NLĐ, Công đoàn đề xuất phương án tính toán lại thời gian làm việc theo hướng chia đều ngày nghỉ chờ việc cho mỗi tháng. Các ngày nghỉ này DN vẫn trả lương tối thiểu vùng cho NLĐ. Đề xuất của Công đoàn sớm được ban giám đốc chấp thuận bởi đó là cách tốt nhất để vừa giữ việc làm vừa ổn định lực lượng lao động. Sau khi DN công bố phương án trên, NLĐ rất phấn khởi và gửi lời cảm ơn đến Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.
Về việc thương lượng tiền lương tối thiểu vùng vừa qua, với sự thuyết phục có lý có tình của Công đoàn, ngoài tăng lương tối thiểu vùng, ban giám đốc còn tăng thêm 100.000 đồng phụ cấp đi lại, điều chỉnh tăng tiền phụ cấp thâm niên lên 40.000 đồng nhân với số năm làm việc cho NLĐ.
Theo ông Phúc, được DN xem trọng và NLĐ tin tưởng là kết quả của một quá trình dài, đòi hỏi sự nhẫn nại của người làm Công đoàn. "Trong bối cảnh hội nhập, Công đoàn phải biết hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ. Việc thương lượng chỉ có kết quả khi Công đoàn xây dựng được phương án cụ thể, làm sao để DN thấy được vai trò của Công đoàn trong việc điều tiết quan hệ lao động".
"Thương lượng tập thể là công cụ hiệu quả để Công đoàn làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Thương lượng thành công giúp Công đoàn cải thiện hình ảnh trong mắt DN lẫn NLĐ".
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam
Bình luận (0)