Thông tin trên được hơn 100 công nhân (CN) đang làm việc đón nhận với sự phấn khởi, như được tiếp thêm động lực làm việc.
Ông Diệp Anh Dũng, giám đốc công ty, cho biết bản thân ông từng là CN nên đã nếm trải đủ cơ cực. “Công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, bị chủ doanh nghiệp (DN) nợ lương - thưởng khiến tôi từng lâm vào cảnh khốn cùng, thậm chí có lúc bị chủ nhà trọ đẩy ra đường do nợ tiền thuê nhà. Nhớ lại gian khổ thời còn đi làm thuê, tôi thấy thương anh em CN và tự dặn lòng phải lo cho họ đầy đủ” - ông Dũng bộc bạch.
Với suy nghĩ ấy, từ lúc khởi nghiệp chỉ với vài chục lao động cho đến khi trở thành một DN có uy tín với hơn 100 CN, dù khó khăn đến mấy, ông Dũng vẫn không bao giờ nợ lương - thưởng CN. Hiểu khó khăn hằng ngày mà CN đối diện, ông chủ động thảo luận với Công đoàn cơ sở cách thức cải thiện thu nhập nhằm ổn định đời sống người lao động (NLĐ). Chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý tại đơn vị được hình thành từ tấm chân tình của ông chủ DN. Ai gặp khó khăn đột xuất, chỉ cần báo là ban giám đốc sẵn sàng giúp đỡ. Được chăm lo chu đáo nên rất ít CN có ý định bỏ đi nơi khác làm việc, trái lại còn mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. “Chúng tôi không hề đơn độc bởi những lúc khó khăn nhất, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo chí tình từ chủ DN” - anh Lê Đình Thảo, một CN làm việc lâu năm ở đây, nói.
Đối đãi thực tâm với NLĐ là văn hóa DN. Nhiều chủ DN có chung suy nghĩ và cách làm như ông Diệp Anh Dũng, xem đó là cách để ổn định nguồn nhân lực, xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
“NLĐ chỉ xem DN là nhà khi được chủ quan tâm và chia sẻ kịp thời khó khăn. Sự chăm lo dù ở mức độ nào cũng có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với NLĐ, giúp họ trụ vững trước khó khăn” - ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận.
Bình luận (0)