Trong đó, đáng lưu ý là quy định các doanh nghiệp (DN) đưa TTS sang Nhật Bản không được phép thu tiền đặt cọc của TTS, đồng thời phải công khai các khoản thu phí của TTS để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định của Việt Nam. Quy định này có hiệu lực từ tháng 11-2017.
Một nhóm thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản
Bên cạnh đó, MOC quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Việt Nam và Nhật Bản trong việc thực hiện chương trình thực tập kỹ năng, như: phía Việt Nam kiểm tra và giới thiệu các DN Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa TTS sang Nhật Bản; phía Nhật Bản cấp phép cho các tổ chức quản lý Nhật Bản và cấp chứng nhận kế hoạch tiếp nhận TTS Việt Nam cho các cơ sở, đơn vị Nhật Bản theo các tiêu chuẩn quy định trong Bản ghi nhớ. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản trong việc thông tin cho nhau về tình hình các DN Việt Nam, các tổ chức quản lý và các đơn vị, cơ sở tiếp nhận Nhật Bản, qua đó hướng dẫn, kiểm tra và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh; xử phạt DN, tổ chức quản lý, đơn vị và cơ sở tiếp nhận vi phạm các quy định của hai nước; và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thực tập sinh, DN, tổ chức quản lý...
Đây là Bản thỏa thuận đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực này, và cũng là Bản thỏa thuận đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký với các nước đưa thực tập sinh đến Nhật Bản, đánh dấu sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản Ảnh:Internet
Theo thống kê, chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 - 2016, Việt Nam đã đưa được hơn 90.000 TTS sang Nhật Bản. Ước tính đến nay, có khoảng hơn 100.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản.
Theo chương trình thực tập kỹ năng mới này, thời hạn thực tập của TTS Việt Nam sẽ được kéo dài lên 5 năm (trước đây chỉ đến 3 năm); đồng thời mở rộng thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe). Bản ghi nhớ này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tăng số lượng TTS Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng, đào tạo nhiều lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm, tác phong làm việc của Nhật Bản qua đó thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho người lao động trong nước.
Bình luận (0)