“Cuối năm 2011, tôi được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp: gai đốt sống cổ, đốt sống lưng, thoái hóa 2 khớp gối, suy tĩnh mạch 2 chân. Khi ấy, tôi đã đề nghị công ty tham gia BHYT để tôi có điều kiện khám chữa bệnh nhưng công ty viện đủ lý do để trì hoãn. Đến nay, sau thời gian dài bị bệnh nhưng không có tiền điều trị đến nơi đến chốn, bệnh tình của tôi ngày càng nặng và tôi cũng không còn tiền để chữa trị. Do vậy, tôi tiếp tục yêu cầu công ty mua BHYT hoặc hỗ trợ một phần chi phí trị bệnh cho tôi thì bị công ty nói là tôi tống tiền”. Đây là nội dung khiếu nại của anh P.T.T - công nhân (CN) một công ty cơ khí ở huyện Hóc Môn, TP HCM - gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
Nguy cơ mất trắng quyền lợi
Đầu năm 2011, anh P.T.T vào làm việc tại công ty nhưng không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), tham gia BHXH, BHYT. Khi phát hiện bệnh, bác sĩ chỉ định mổ nhưng do kinh tế eo hẹp, khả năng phục hồi sau ca mổ không cao nên anh chuyển hướng điều trị tại bác sĩ tư. Đầu năm 2015, khi thấy bệnh tình của anh trở nặng, bác sĩ yêu cầu phải tạm ngừng công việc, vào bệnh viện làm các xét nghiệm liên quan để có hướng xử lý. Do gia cảnh khó khăn, chi phí làm xét nghiệm lại cao nên ngày 2-3-2015, anh làm đơn đề nghị công ty hỗ trợ nhưng bị từ chối. Kể từ đó, anh không đến công ty làm việc nữa và gửi đơn cầu cứu khắp nơi.
Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.T.H, giám đốc công ty, cho rằng anh T. vu khống, bịa đặt. Bà H. giải thích rằng khi vào làm, công ty đề nghị ký HĐLĐ nhưng anh T. không ký vì thích làm việc tự do, hưởng lương công nhật (làm ngày nào hưởng lương ngày đó). Do cần người có tay nghề cao nên công ty vẫn nhận anh vào làm việc. Bà H. còn lập luận phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại thời gian dài nên người lao động (NLĐ) mới bị bệnh nghề nghiệp; trong khi đó, anh T. phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi vào làm tại công ty chưa lâu nên không thể ép công ty chịu trách nhiệm về bệnh của anh.
Hơn nữa, theo bà H., anh T. gửi đơn xin hỗ trợ chi phí điều trị nhưng không hề xuất trình giấy khám chữa bệnh, đơn thuốc của bệnh viện, cũng không có giấy đề nghị của bác sĩ cho NLĐ nghỉ ốm theo quy định; sau đó còn tùy tiện nghỉ việc mà không hề có đơn xin phép.
Sơ suất là thiệt
Việc doanh nghiệp vin cớ không có HĐLĐ để phủ nhận trách nhiệm với NLĐ như trường hợp của anh T. không hiếm. Điều này xảy ra không phải do các doanh nghiệp không am hiểu pháp luật, trái lại rất hiểu luật, thậm chí lợi dụng sơ suất của NLĐ để trục lợi. Chị Nguyễn Thị Đào, CN Công ty M.K (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết mình cũng là nạn nhân của tình trạng này.
Chị vào làm việc tại công ty hơn 2 năm nhưng không được ký HĐLĐ, đến khi muốn nghỉ việc, nghĩ rằng không có HĐLĐ thì không cần báo trước nên tháng 2-2015, chị nộp đơn rồi nghỉ ngay. Tới kỳ lương, không thấy công ty chuyển tiền, chị thắc mắc thì công ty chẳng những không trả mà còn đòi chị phải bồi thường thêm nửa tháng tiền lương. Lý lẽ công ty đưa ra là “tuy chưa ký HĐLĐ nhưng mối quan hệ lao động giữa 2 bên đã xác lập, do đó, ngoài khoản tiền vi phạm thời gian báo trước 30 ngày, chị phải bồi thường cho công ty thêm nửa tháng tiền lương vì chấm dứt HĐLĐ trái luật”.
Tương tự, cũng vì không có HĐLĐ, chị Lê Thị Nguyệt, CN Công ty TNHH S.N (quận 12, TP HCM), đã chuốc lấy thiệt thòi. Chị Nguyệt làm việc tại công ty hơn 3 năm nhưng không được ký HĐLĐ. Dịp Tết Ất Mùi vừa qua, công ty quy định ngày 27-2 (nhằm mùng 9 tháng giêng), CN trở lại làm việc. Do quê ở xa nên chị vào trễ 2 ngày. Khi chị đến làm việc thì công ty không cho vào, đồng thời thông báo nếu muốn tiếp tục làm việc thì phải quay lại mốc lương ban đầu như CN mới. “Trước khi nghỉ Tết, tổ trưởng đã hỏi ngày đi làm lại của từng người, tôi báo ngày vào là 11 tháng giêng. Khi đó, thấy công ty không có ý kiến gì nên tôi tưởng công ty đã đồng ý nên không nộp giấy xin phép. Vậy mà nay công ty lấy lý do tôi nghỉ việc tùy tiện để chèn ép” - chị Nguyệt bức xúc. Không đồng tình với cách hành xử của công ty, chị Nguyệt khởi kiện ra tòa nhưng do không có HĐLĐ và bảng lương để hoàn tất thủ tục khởi kiện, chị đành từ bỏ quyền lợi của mình.
Bình luận (0)