Công ty CP Công nghiệp Co-Win Fasteners Việt Nam (KCN Đồng An, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vừa nâng mức phòng chống dịch Covid-19 lên cao nhất, nhằm bảo đảm sức khỏe cho hơn 1.800 người lao động (NLĐ) cũng như không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Một bộ phận công nhân vẫn chủ quan
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Công nghiệp Co-Win Fasteners Việt Nam, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công ty luôn tuyên truyền cho công nhân (CN) về việc thực hiện 5K. Trước đây, công ty thường xuyên tổ chức test sàng lọc nhưng nay để giảm chi phí nên chỉ yêu cầu CN nào nghi ngờ hoặc có triệu chứng thì tự giác đến phòng y tế kiểm tra. Ngoài ra, công ty còn bố trí lại sản xuất cũng như ca kíp làm việc để hạn chế tập trung đông người.
Ông Bảo cho rằng một bộ phận CN vẫn có tâm lý đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, cộng với chủng Omicron gây bệnh nhẹ nên lơ là, chủ quan. Do đó, Công đoàn liên tục tuyên truyền trên loa phát thanh nội bộ để họ ý thức hơn trong việc phòng chống dịch.
Để phòng chống dịch Covid-19, Công ty TNHH Maruel Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, tỉnh Bình Dương) không tổ chức ăn ở căng-tin mà phát cơm cho công nhân đem về bộ phận của mình
"Mỗi ngày, công ty chỉ có 3-5 người mắc Covid-19 nhưng nếu không thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch thì nguy cơ bùng phát là rất cao, lúc đó sẽ vỡ kế hoạch sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng" - ông Bảo nói.
Anh Nguyễn Văn Trường, CN làm việc trong KCN Việt Hương (TP Thuận An), cho biết dù mắc Covid-19 nhưng anh không hề có triệu chứng. Chỉ khi hay tin đồng nghiệp làm chung nhiễm bệnh, anh đi test, mới biết mình dương tính. Anh đã báo cáo với công ty và mong muốn được đi làm. Công ty đã xếp công việc ở vị trí phù hợp cho anh Trường, đồng thời yêu cầu cam kết không tiếp xúc ai. Chỉ sau 3 ngày, anh xét nghiệm lại thì kết quả đã âm tính.
Chủ động sàng lọc
Theo đại diện Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An), so với năm 2021 thì đơn hàng năm nay tăng rất nhiều. Do đó, công ty liên tục tuyển dụng lao động, đặc biệt tập trung việc phòng chống dịch Covid-19. Bởi lẽ, nếu dịch bùng phát như giữa năm ngoái thì kế hoạch sản xuất của công ty sẽ bị gián đoạn.
"Công ty vẫn thường xuyên test sàng lọc và thực hiện nghiêm 5K. Rất may là thời gian này, số ca mắc Covid-19 tại công ty ít, có khi cả tháng không có ca nào" - đại diện Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam cho hay.
Công ty TNHH Sambu Fine Việt Nam (phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cũng vừa nâng cảnh báo dịch lên mức cao nhất khi số ca mắc thời gian gần đây có dấu hiệu tăng. Đại diện công ty cho biết sau Tết, khi NLĐ trở lại làm việc thì số ca mắc Covid-19 cũng tăng đáng kể.
Công ty TNHH Sambu Fine Việt Nam đã hạn chế tối đa hội họp, tránh tụ tập, yêu cầu CN thực hiện nghiêm 5K. Do NLĐ đã được tiêm vắc-xin nên nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng. Đối với các trường hợp này, công ty vẫn sắp xếp cho đi làm nhưng ở khu vực riêng, có giám sát, theo dõi.
Tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh thì doanh nghiệp này phải giảm số lượng đơn hàng do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Đại diện công ty này cho biết đã tính đến phương án "bắc cầu". Theo đó, các nhà máy ở Việt Nam cùng chung tập đoàn sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Nếu như dịch bùng phát ở nhà máy nào thì đơn hàng sẽ được chuyển cho nhà máy khác trong cùng khu vực.
Kiến nghị xem xét quy định cách ly y tế trường hợp F1
Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP HCM (HBA) vừa có văn bản gửi Bộ Y tế kiến nghị xem xét về cách ly y tế trường hợp tiếp xúc gần (F1).
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA, hầu như 100% doanh nghiệp tại các KCX-KCN và Khu Công nghệ cao trên địa bàn TP HCM đã trở lại hoạt động với đơn hàng ngày càng nhiều và đang thiếu hụt lao động. Đặc điểm hiện nay của biến chủng Omicron là lây nhiễm nhanh nhưng cũng khỏi bệnh nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng. Nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1, chỉ cần một CN ở trọ là F0 thì có khả năng cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1 và những CN này phải ở nhà ít nhất 5 ngày. Việc này sẽ khiến các nhà máy không có CN đi làm. Ngoài ra, CN được xác định là F0 tại nhà máy tuy không phải làm việc trong không gian hẹp, khép kín nhưng cũng có nguy cơ khiến các CN của tổ sản xuất đó hoặc chuyền sản xuất đó bị quy vào diện F1.
Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc nhà máy, các trường hợp nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, thông báo với cơ quan y tế và doanh nghiệp. Sau khi xét nghiệm nhanh, nếu có kết quả âm tính, CN vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách với người bên cạnh trên 2 m. Các F1 này có sự giám sát của quản lý nhà máy. Đến ngày thứ 5, nếu xét nghiệm vẫn âm tính thì CN đó được hòa nhập lao động bình thường trở lại.
Theo thống kê của HBA, đến nay, hơn 350.000 CN tại 18 KCX-KCN và Khu Công nghệ cao TP HCM đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (gần 100%), phần lớn đã tiêm mũi tăng cường.
N.Hà
Bình luận (0)