Trước khi ca mắc Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng, cùng với chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch tại nơi làm việc trên tinh thần "vừa sản xuất vừa chống dịch".
Vì sức khỏe công nhân
Bà Trần Thị Hà Bình, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (KCN Đồng An 1, TP Thuận An), cho biết với gần 6.000 công nhân (CN) đang làm việc, công tác phòng chống dịch luôn được ban giám đốc đặc biệt quan tâm.
Cán bộ Công đoàn tỉnh Bình Dương chuẩn bị quà hỗ trợ cho công nhân ở khu cách ly trên địa bàn phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên)
Ngoài chú trọng tuyên truyền cho người lao động (NLĐ) chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt là thông điệp 5K, công ty còn mua thêm thiết bị, vật tư y tế để chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch tại chỗ. Đặc biệt, công ty cũng áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch bắt buộc như: CN phải khai báo y tế trước khi vào làm, sắp xếp lại giờ ăn giữa ca, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các vị trí làm việc.
Tương tự, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc cũng đang được Công ty TNHH Tombow Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore 1) triển khai nghiêm ngặt với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Bà Đinh Thị Thoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tombow Việt Nam, cho biết ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch trong CN, công ty còn quy định tất cả NLĐ phải khai báo y tế trên giấy hoặc qua hệ thống khai báo y tế online bằng mã QR. Những trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, hoặc từng đi đến vùng dịch) sẽ được bố trí làm ở khu vực riêng để theo dõi sức khỏe. Nếu rủi ro cao thì công ty cho ở nhà tự cách ly theo dõi sức khỏe, có hưởng lương...
Công ty TNHH Timberland (thị xã Tân Uyên) - nơi có khoảng 9.000 CN đang làm việc - mới đây cũng cho lắp đặt hệ thống đo thân nhiệt bằng camera hồng ngoại ngay cổng ra vào. Hệ thống sẽ quét một lượt tất cả NLĐ để sàng lọc, phát hiện những trường hợp có thân nhiệt cao trước khi họ vào nhà xưởng. Nếu thân nhiệt cao hơn bình thường, hệ thống này sẽ sẽ gửi tin nhắn đến các bộ phận liên quan xử lý.
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Công ty CP Sao Việt (KCN Đồng An, TP Thuận An) đã chủ động thành lập 35 "Tổ an toàn Covid-19" với 210 thành viên là cán bộ chủ chốt từ văn phòng đến các xưởng sản xuất. Nhiệm vụ hằng ngày của các thành viên trong tổ là tuyên truyền, nhắc nhở NLĐ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc; phát hiện và kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm về phòng chống dịch cũng như những trường hợp NLĐ có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 để cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.
Thăm hỏi, động viên kịp thời
Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, tính đến đến ngày 23-6, toàn tỉnh có tất cả 171 đơn vị, doanh nghiệp bị tác động của dịch Covid-19, khiến hơn 5.400 CN bị ảnh hưởng, trong đó có 80 trường hợp F0, 637 trường hợp F1, gần 3.300 trường hợp F2 cách ly tại nhà và khu tập trung để theo dõi sức khỏe và hơn 1.500 CN trong khu vực phong tỏa.
Với diễn biến phức tạp của đại dịch, một số khu vực bị phong tỏa cách ly, khiến không ít trường hợp CN ở trọ không đi làm được, gặp khó khăn trong cuộc sống. Để sẻ chia khó khăn với CN, các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, góp phần động viên họ trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp. Các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ khẩn cấp cho 183 trường hợp CN bị ảnh hưởng bởi dịch (F0, F1, F2 và trong khu phong tỏa) với tổng số tiền gần 160 triệu đồng.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết nhằm kịp thời chia sẻ, động viên về vật chất cũng như tinh thần cho đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4, LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở sớm triển khai kế hoạch chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên và NLĐ bị ảnh hưởng.
Theo đó, mức hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch tối đa là 3 triệu đồng/người; đoàn viên, NLĐ (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí Công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người; đoàn viên, NLĐ có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ đang mang thai, NLĐ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.
Bình luận (0)