BHXH là chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm cho người lao động (NLĐ) lúc về già có nguồn thu nhập nhất định để sinh sống; trợ cấp cho NLĐ nếu không may mắc bệnh, bị tai nạn lao động, thai sản, thất nghiệp... Thế nhưng, dịch Covid-19 đã khiến nhiều NLĐ phải bán, cầm cố sổ BHXH hoặc đăng ký nhận BHXH một lần vì doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, phá sản. Điều này tiềm ẩn rủi ro, dẫn tới NLĐ mất trắng quyền lợi chỉ vì lợi ích trước mắt.
Đủ chiêu dụ dỗ
Anh Trần Văn Quân - quê Thái Bình, làm công nhân (CN) ở tỉnh Đồng Nai - cho biết cách đây gần 1 tháng, anh đã phải bán cuốn sổ BHXH sau gần 8 năm tham gia cho một người mua trên mạng. "Công ty phá sản nên tôi mất việc trong khi vợ lại sắp đến ngày sinh nên hai vợ chồng quyết định về quê. Biết là bị ép giá khi bán sổ BHXH nhưng vì quá cần tiền nên tôi đành chấp nhận bán "lúa non" - anh Quân phân trần.
Cũng phải cầm cố cuốn sổ BHXH đóng được gần 6 năm, chị Đỗ Thị Thanh cho biết do dịch bệnh kéo dài, công ty hết đơn hàng sản xuất, chị bị chấm dứt hợp đồng lao động. Rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", lại đọc được những lời mời chào bán sổ BHXH với giá cao, chị Thanh đã liên hệ với người rao trên mạng.
Lúc đầu, người mua nói sổ BHXH của chị có giá khoảng 25 triệu đồng nhưng sau khi "rà soát", họ chỉ trả giá hơn 20 triệu đồng.
BHXH là “của để dành” khi về già. Do vậy, người lao động cần cân nhắc khi cầm cố, mua bán sổ BHXH Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước đó, lợi dụng tình hình khó khăn của CN trong mùa dịch Covid-19, nhiều "đầu nậu" ở các tỉnh, thành phía Nam đã lập các trang Facebook nhằm dụ dỗ, mời chào thu mua, thanh lý sổ BHXH. Ngoài việc cầm cố, những đối tượng thu gom sổ BHXH cho biết người tham gia chỉ cần đóng BHXH từ 3 tháng trở lên là làm thủ tục được.
Thậm chí, có "đầu nậu" còn lập trang Facebook mạo danh cơ quan BHXH để dụ dỗ CN bán sổ. Để thanh lý sổ BHXH, đối tượng thu mua yêu cầu NLĐ đến cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền cho người mua nhận BHXH 1 lần sẽ được nhận tiền ngay.
Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, khẳng định hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp và bị xử lý nghiêm khắc, theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo bà Hiền, tình hình dịch Covid-19 diễn ra đã gây nhiều xáo trộn, khó khăn trong cuộc sống của nhiều NLĐ, khiến họ mất việc làm, giảm thu nhập.
Nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán "lúa non" này, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, TP tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo đến người dân và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
"Nếu chuyển sổ BHXH cho người khác, trước tiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến quyền hưởng an sinh xã hội của chính bản thân NLĐ vì họ phải nhận số tiền ít hơn số tiền BHXH mà mình đáng được hưởng" - bà Hiền nhấn mạnh
Nhiều rủi ro
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, khoảng 5 năm gần đây, cả nước đã có khoảng 2,5 triệu NLĐ lĩnh BHXH một lần. Hiện mỗi năm có khoảng 700.000 lượt người hưởng chế độ này. Đáng lo ngại, trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều lao động không có việc làm nên một bộ phận NLĐ đã lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Đến tháng 6, BHXH đã giải quyết hưởng mới các chế độ BHXH một lần, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần... cho khoảng 353.616 người, với số tiền chi trả là 13.154,7 tỉ đồng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng NLĐ tham gia BHXH để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Do đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống mà lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. BHXH như "của để dành", được nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho NLĐ khi hết tuổi lao động.
Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận. Do vậy, kể cả khi có việc làm, đóng BHXH trở lại, NLĐ phải bắt đầu tích lũy BHXH từ con số 0 và như vậy, rất nhiều khả năng không thể tích lũy đủ số năm đóng cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu.
"Không chỉ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu và nguồn tài chính ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động, NLĐ còn phải đối mặt nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội" - ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý.
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Cần tỉnh táo, suy xét kỹ
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà nước đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có NLĐ mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt.
Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo, suy xét để cùng chia sẻ với nhà nước, DN và xã hội vượt qua thử thách, giữ và tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già.
Bình luận (0)